Ảnh: Mạnh Hùng.
Là công trình truyền tải điện được triển khai sớm nhất, ngay sau khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành; Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ: “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; Phương án 4 tại chỗ được phát huy hiệu quả; Công trình huy động được một lực lượng đông đảo nhất; Có khối lượng thi công lớn nhất và ứng dụng nhiều công nghệ mới nhất trong các công trình đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng từ trước đến nay.
Song có lẽ, cái được lớn nhất từ công trình này đó là cùng với dòng điện cho Tổ quốc, còn là nơi rèn giũa, hun đúc tinh thần đoàn kết và không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề của những người thợ điện Việt Nam.
Kỹ sư Đinh Sỹ Trí Hoàng - Truyền tải điện Hà Tĩnh cho biết, toàn bộ ở đây là thi công trong điều kiện gặp eo gió, gió rất lớn nên là thi công phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, vì lực gió mạnh thì nguy cơ sẽ thổi làm rơi dụng cụ, mất an toàn, nếu rớt - phải điều chỉnh nhiều sẽ không kết nối được với nhau, đặc biệt khó khăn.
Đại diện Sông Đà 5 cho biết, "chỗ đứng ở đây (phóng viên) là vị trí số 35 của tuyến đường dây, với độ cao 700 m so với mặt nước biển. Đây là dãy Hoành Sơn nên thời tiết rất thất thường. Đặc thù ở đây có vị trí 34 là dựng cột ống. Đây là công nghệ cột mới triển khai ở Việt Nam, cột nặng 169 tấn và cao 95m. Và cột ống thì điều kiện nếu như mà mặt bằng có thì đưa cẩu lên dựng thì sẽ đỡ hơn, nhưng tuy nhiên ở đây phải thực hiện thủ công hoàn toàn. Mặt bằng của các vị trí này rất là nhỏ. Công tác vận chuyển cột lên đã khó, dựng lên và các mặt bằng để làm sao để soạn thanh và sắp xếp để đưa lên là công việc cực kỳ khó khăn. Mà đây cũng là cái mới, mà cái cột này lại là cột lớn, nằm trên vị trí cao nhất, đấy là điều khó khăn của đơn vị".
Hàng loạt thách thức lớn đã xảy đến trong quá trình triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối khiến các đơn vị, nhà thầu thi công trên công trường tưởng chừng không thể vượt qua được. Chỉ riêng về thời tiết, suốt từ tháng 4 đến tháng 8 tại hầu hết các tỉnh có đường dây đi qua đều có những đợt nắng nóng gay gắt xen kẽ với mưa dài ngày. Khu vực tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa mưa lớn còn kèm theo giông, sét. Khu vực Đèo Ngang, trên dãy Hoành Sơn thường có gió mạnh từ 3 đến 7 tiếng/ngày… nhiều thời điểm phải dừng thi công để đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
Ảnh: Mạnh Hùng.
Một khối lượng đào đất đá, bốc xúc, san gạt lên đến hơn 2,5 triệu m3; Khoảng 700 nghìn m3 bê tông các loại, gần 70 nghìn tấn cốt thép để làm móng; Sản xuất, nhập khẩu và lắp dựng 1.177 cột thép với tổng trọng lượng lên đến 139 nghìn tấn, trong đó các cột vượt sông có chiều cao 145m, nặng trên 400 tấn; kéo rải tổng cộng lên tới gần 14.000 km các loại dây dẫn, dây chống sét, cáp quang cho 513 khoảng néo và lắp đặt 16.840 chuỗi cách điện, phụ kiện… trong khi thời gian chỉ có 6 tháng.
Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên toàn công trường, đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu, đơn vị thi công, và trực tiếp là các kỹ sư đã làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc liên tục 24/7, “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “làm xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Phong trào thi đua “5 nhất”: “Tiến độ nhanh nhất”, “Chất lượng tốt nhất”, “An toàn - Tiết kiệm nhất”, “Sáng tạo nhất” và “Chăm lo đời sống tốt nhất” đã được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình khang phát động (ngày 27/2/2024), trong đó nhấn mạnh "Thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản trị dự án, sử dụng hợp lý nguồn lực, hiệu quả lao động, thời gian lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp quản lý, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị, phương tiện, công cụ lao động sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu giảm chi phí hạ giá thành xây dựng".
Tại Dự án đường dây 500kV mạch từ Quảng Trạch đến Phố Nối, phương án “4 tại chỗ” đã phát huy rất hiệu quả (từ thiết bị thi công tại chỗ, lao động tại chỗ, vật liệu xây dựng tại chỗ và thực hiện đền bù tại chỗ). Nhờ đó, hơn hai nghìn máy thi công các loại đã được huy động; khoảng 95% khối lượng vật liệu xây dựng và khoảng 90% lao động phổ thông với hơn 7.000 người từ hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại các địa phương để triển khai công tác thi công hố móng, vận chuyện vật tư, thiết bị.
Khoảng 83% cột thép được sản xuất trong nước nên các nhà thầu buôc phải có giải pháp để tăng cường năng lực sản xuất, và cả sự hỗ trợ lẫn nhau trong chính các đơn vị nhà thầu.
Khi việc huy động nguồn lực của các nhà thầu xây lắp đã hết, trong khi khối lượng thi công còn lại rất nhiều, thời gian đáp ứng tiến độ hoàn thành của Dự án theo yêu cầu của Thủ tướng còn lại rất ít, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động nhân lực từ các đơn vị trong ngành để tiếp sức cho Dự án trọng điểm này. Đây là những kỹ sư, công nhân có tay nghề để tăng cường cho Dự án.
Từ công việc quản lý, vận hành lưới điện, nay khoảng 1.500 người lao động của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia được tăng cường tham gia thi công dựng cột, kéo dây cho công trình đường dây 500kV trọng điểm quốc gia, trách nhiệm, tự hào là cảm xúc của tất cả người lao động trên công trường.
Anh Nguyễn Thế Trường- Truyền tải điện Đông Bắc 3 cho biết "Nói chung là công việc khi mới bắt đầu thì chúng tôi cũng bỡ ngỡ, sau này tìm hiểu được rồi quen dần, thấy công việc cũng trôi chảy. Chúng tôi rất vinh dự được làm cho công trình trọng điểm quốc gia nên dù khó khăn cũng vượt qua hết được".
Rất nhiều lao động là đoàn viên ưu tú có thời gian làm việc trên công trường tới gần 4 tháng và được vinh dự được kết nạp Đảng trên công trường. Ông Nguyễn Văn Bảy - PGĐ Công ty Truyền tải Điện 4, cho biết, "đây là nơi để chúng tôi đào tạo người. Qua đó đã phát hiện ra một số lực lượng lao động trẻ năng động, chịu khó và chúng tôi cũng đã kết nạp được 4 đoàn viên thanh niên ưu tú vào đảng tại công trường".
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Lưu Việt Tiến quả quyết, công trường Đường dây 500kV mạch 3 này đã thực sự là trường học lớn về nghề cũng như tinh thần đoàn kết, sẻ chia với ngành.
"Lực lượng của truyền tải điện thực hiện việc dựng cột, kéo dây ở những vị trí khó mà các nhà thầu xây lắp họ từ chối đảm nhận. Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng coi đây là dịp để đào tạo cho lực lượng công nhân về dựng cột kéo dây. Ngoài ra thì lực lượng công nhân truyền tải điện cũng đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với ngành điện cũng như ngành truyền tải điện nói riêng..
Nhiều đơn vị ngoài ngành như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT),… đã cùng chung sức. Cao điểm trên công trường có sự tham gia của hơn 15.000 người, trong đó có hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ tham gia hỗ trợ vận chuyển vật tư thiết bị, kéo dây tại các vị trí thi công khó khăn. Hơn 6.200 đoàn viên thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đoàn thanh niên 09 tỉnh đã phát huy sức trẻ, xung kích, tình nguyện theo đúng tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tham gia hỗ trợ gần 300 địa điểm thi công, tích cực tham gia hỗ trợ công tác vận động người dân tháo dỡ, di dời nhà cửa vật kiến trúc, vận chuyển vật tư thiết bị, đảm bảo công tác an toàn giao thông trong quá trình thi công kéo dây.
Bài học thành công được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh (khi kiểm tra thực tế công trường ngày 22/6/2024) đó là "phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ sản phẩm. Thứ 2 là phải có nguồn vốn, có nguồn lực để mình làm, Cái thứ 3 là khi đã bắt tay vào làm rồi thì phải giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng ở đây nếu như hệ thống chính trị địa phương không vào cuộc thì chưa biết lúc nào mới xong. Thế nhưng có hệ thống chính trị vào cuộc, và đặc biệt là 9 đồng chí Bí thư tỉnh uỷ này vào cuộc cho nên mặt bằng cơ bản không vướng. Sau khi có mặt bằng rồi thì phải móng, phải cọc, triển khai đồng loạt. Rồi muốn triển khai được thì phải bố trí lực lượng. Đội quân chủ lực là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia và lại huy động được sức mạnh tại chỗ. Thứ tư là các khoảng néo, khoảng dây đi qua rừng, các thủ tục giải phóng mặt bằng liên quan đến rừng, liên quan đến đất và các công trình khác… Thứ 5 là được nhân dân ở các địa phương này ủng hộ, đây là tình cảm, là sự hợp lực, sức mạnh tổng hợp..”.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã hoàn thành đúng tiến độ. Theo nhiều chuyên gia năng lượng, việc “chia nhỏ” các gói thầu vừa giúp cạnh tranh, vừa để huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia, góp phần quan trọng đảm bảo tiến độ của dự án. Cụ thể, trên toàn tuyến đường dây có tới 226 gói thầu, bao gồm 93 gói thầu xây lắp; 75 gói thầu cung cấp cột thép; 36 gói thầu cung cấp dây dẫn, cáp quang; 17 gói thầu cung cấp cách điện và phụ kiện; 5 gói thầu cung cấp vật tư thiết bị nhất thứ, nhị thứ, kháng điện và phụ kiện. Quá trình quá trình triển khai thực tế cũng đã bộc lộ rõ năng lực của nhà thầu. Đây cũng là những điều cần được rút kinh nghiệm cho các công trình sẽ triển khai trong thời gian tới.