Người dân có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng nhiều.
Anh cho biết: “Sau khi lắp đặt điện mặt trời, gia đình tôi sử dụng bộ lưu trữ để tích điện và sử dụng. Tuy nhiên, chí phí cho ắc quy để lưu trữ điện quá lớn, khấu hao nhanh nên chi phí tái đầu tư cao, hiệu suất thấp”. Từ kinh nghiệm của anh Lợi, rất nhiều bạn bè, người thân của anh đều ngần ngại lắp đặt hệ thống năng lượng xanh này.
Tuy nhiên, Thông tư 05 về việc mua lại điện mặt trời từ khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành ngày 22/4 vừa qua đã thay đổi tình hình.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc một công ty cung cấp và lắp đặt điện mặt trời, cho biết: “Khoảng hai tháng trở lại đây, kể từ khi có thông tư về việc điện lưới quốc gia mua lại điện của người dân với giá 2.086 đồng/kWh, số lượng khách hàng tìm đến công ty để sử dụng dịch vụ tăng mạnh. Có thể nói, thông tư này đã giải được bài toán về chi phí đầu tư bộ lưu trữ điện và những băn khoăn về nguồn điện dư thừa cho người dân”. Anh Tuấn Anh cũng cho biết, chi phí đầu tư cho một hệ thống phát điện năng lượng mặt trời công suất 1kWp giao động từ 20-30 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với 5 năm trước nên người dân cũng dễ chấp nhận hơn. Sau 5-7 năm sử dụng, người dân có thể thu hồi vốn, tuổi thọ sử dụng của mỗi tấm pin là từ 25-30 năm.
Trong danh sách 35 khách hàng của Công ty Điện lực Nghệ An lắp đặt điện trời hòa lưới, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Nghệ An có công suất lắp đặt cao nhất với 31,05kWp. Ông Trần Xuân Toàn, Giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi tận dụng không gian mái để lắp hệ thống điện, điều này vừa tiết kiệm chi phí điện, vừa bảo vệ môi trường, vừa có tác dụng làm mát. Điện dư ra sẽ được bán lại cho công ty điện lực mà không cần phải đầu tư bộ lưu trữ”.
Ông Mai Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Nghệ An, cho biết: Hiện nay, người dân có 3 lựa chọn ứng dụng điện năng lượng mặt trời. Một là sử dụng điện năng lượng mặt trời hòa lưới: Năng lượng của dòng bức xạ điện xuất phát từ mặt trời được hấp thu trực tiếp qua tấm pin mặt trời chuyển hóa thành điện năng, nối trực tiếp vào hệ thống điện lưới có sẵn nên được gọi là hệ thống điện mặt trời hòa lưới hoặc nối lưới. Với cách này, năng lượng điện dư ra có thể bán lại cho công ty điện. Hai là sử dụng điện mặt trời độc lập. Ba là kết hợp cả hòa lưới và độc lập. “Theo tôi, người tiêu dùng nên sử dụng cùng lúc cả điện hòa lưới và điện mặt trời. Đây cũng là cách mà chúng tôi đang áp dụng cho hệ thống điện tại cơ quan. Nếu chỉ sử dụng hoàn toàn điện mặt trời thì chúng ta phải lưu trữ điện mặt trời vào ắc quy để sử dụng vào buổi tối, lúc không có bức xạ mặt trời... Kinh phí đầu tư ắc quy rất cao, tuổi thọ lại thấp nên liên tục phải tái đầu tư, xét về kinh tế thì không tương xứng với kết quả thu được” - ông Tuấn chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, thủ tục bán điện cho lại cho điện hòa lưới quốc gia rất đơn giản. Người dân chỉ cần có hợp đồng mua điện trực tiếp với công ty điện lực và công tơ đo đếm hai chiều đúng tiêu chuẩn là đã có thể đăng ký bán điện lên lưới. Hiện tại, Công ty Điện lực Nghệ An đang tiến hành tính toán và chuẩn bị chi trả tiền mua điện cho những khách hàng bán điện đầu tiên trên địa bàn.