Tránh sự thay đổi đột ngột
Việc ra vào phòng điều hòa đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi ngay được với sự thay đổi nhiệt độ, có thể gây choáng. Nếu nhẹ, cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi…
Khi đang ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không vào phòng có nhiệt độ quá lạnh ngay. Mọi người nên lau khô mồ hôi, ngồi một lúc sau đó mới vào phòng có điều hòa. Khi từ ngoài vào phòng điều hòa nên để điều hòa ở nhiệt độ cao rồi hạ thấp dần.
Để cơ thể không choáng váng khi thay đổi môi trường đột ngột, nên để điều hòa ở mức từ 25 – 28°C. Cố gắng để mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời không quá lớn.
Tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 30 phút
Để tránh sức khỏe bị ảnh hưởng do đột ngột ra vào phòng điều hòa, trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt máy điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông và cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài.
Không nên ở phòng điều hòa quá lâu
Ngoài giấc ngủ ban đêm bật điều hòa liên tục, thời gian còn lại trong ngày, không nên ở phòng máy lạnh hơn 4 giờ liên tục.
Nên tránh hướng điều hoà thổi thẳng vào mặt, đầu vì như vậy sẽ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.
Uống nước khi ở trong phòng điều hòa
Chúng ta dễ bị mất nước khi ở trong phòng điều hòa lâu. Không bổ sung nước trong thời gian dài sẽ khiến da khô ráp, nứt nẻ, ngứa ngáy. Bởi vậy cần uống nước thường xuyên và để một chậu nước dưới máy điều hòa. Ngoài ra, thỉnh thoảng nên lau sàn nhà bằng giẻ ướt.
Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn trong môi trường nhiệt độ thấp.
Không vào phòng điều hòa ngay khi tắm xong
Thói quen này cực kỳ nguy hiểm vì dễ gây nguy cơ cảm lạnh, viêm phổi. Nhất là với những người có bệnh tiềm tàng về mạch máu não rất có nguy cơ tai biến, có thể gây đột tử. Nếu phòng lúc đó đang bật điều hòa cũng phải tắt đi, để cơ thể thích nghi dần rồi mới bật lại.
Thường xuyên vệ sinh điều hòa, phòng ốc
Cần thường xuyên vệ sinh điều hòa ít nhất một tuần một lần và nên thay lọc gió từ 3 đến 6 tháng một lần. Việc làm này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc lưu trú trong phòng, trong máy điều hòa.
Ngoài ra, nếu ở trong phòng điều hòa không có lỗ thông gió, quạt thông khí thì cơ thể sẽ bị nhiễm khuẩn. Do đó, nên mở cửa 1-2 tiếng mỗi lần hoặc sử dụng quạt thông gió để đảm bảo trao đổi đối lưu giữa không khí trong và ngoài nhà.