Những người thợ truyền tải điện giữa rừng Mai Châu

Thứ ba, 10/5/2022 | 14:35 GMT+7
Điểm đến của những người thợ truyền tải điện Mai Châu là vị trí cột 344 – ĐZ 500 kV Sơn La- Hòa Bình.
 
Lãnh đạo Truyền tải điện Hòa Bình cùng đội kiểm tra sạt lở do mưa bão đến vị trí 66 ĐZ 220kV Thành Sơn- Nho Quan năm 2020.
 
Với 95% vị trí cột đều nằm ở các đỉnh, sườn núi cao, hành trang đi kiểm tra tuyến của những người “lính” thuộc Đội Truyền tải điện Mai Châu, Truyền Tải điện Hòa Bình, Công ty Truyền tải điện 1 luôn có thêm chiếc gậy và con dao quắm.
 
Chuẩn bị bước sang tháng 5 mà tiết trời vẫn như mùa thu, buổi sáng trời mưa nhỏ đường trơn trượt với những con dốc dựng đứng nên chúng tôi phải chờ sang đầu giờ chiều để cùng những người “lính” của Đội Truyền tải điện Mai Châu đi lên tuyến.
 
Điểm đến của những người thợ truyền tải điện Mai Châu là vị trí cột 344 – ĐZ 500 kV Sơn La- Hòa Bình. Đây là một trong những vị trí hết sức khó đi, vừa phải băng đèo, lội suối và sau cơn mưa thì đường núi trơn trượt, mặc dù phải dùng những chiếc gậy để chống và dò đường nhưng một số người trong đoàn vẫn cứ “bò soài” ra đường.
 
Theo anh Đinh Sỹ Chung- Đội trưởng Đội truyền tải điện Mai Châu cho biết: Khối lượng đường dây đi qua các địa bàn do Đội quản lý có địa hình hết sức khó khăn và phức tạp với trên 95% vị trí cột đều nằm ở các đỉnh, sườn núi cao đi qua các huyện Vân Hồ (Sơn La), Mai Châu và Tân Lập (Hòa Bình). Riêng địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 37 vị trí cột ĐZ 500kV của cả hai mạch, 54 vị trí cột ĐZ 220kV đi qua địa bàn 7 xã, thị trấn trong đó vị trí 344 là một trong những vị trí có nguy cơ sạt lở do nằm trên triền núi cao.
Công tác khắc phục tạm thời sạt lở do mưa bão tại vị trí 66 ĐZ 220kV Thành Sơn- Nho Quan năm 2020.
 
Phải mất hơn một giờ di chuyển từ trung tâm thị trấn huyện Mai Châu đến vị trí 344. Theo đó 30 phút đầu đoàn di chuyển bằng ô tô trên quãng đường 25 km, đường đất đá lô nhô quanh co, gấp khúc, dốc lên dốc xuống liên tục quả thật không dễ chịu chút nào. Và phải mất 40 phút đi bộ với quãng đường chỉ có 680m trèo lên con dốc dựng đứng và phải lội qua một con suối chúng tôi cũng đã lên được đến vị trí cột 344.
 
“Hôm nay mưa nhỏ nên chỉ có vắt chứ nước suối không to, nếu vào mùa mưa lũ, nước chảy xiết, bên dưới toàn là đá trơn trượt rất khó đi và rất nguy hiểm cho việc qua lại. Các vị trí cột mà Đội Truyền tải điện Mai Châu phụ trách nhiều vị trí chúng tôi phải trèo đồi núi có độ dốc cao, men theo sườn đồi. Ngoài ra trên khu vực này các anh em trong đội luôn phải đối mặt với côn trùng, rắn và vắt cắn. Nhiều anh, em khi xử lý khiếm khuyết, sửa chữa.. từ trên cột xuống về đến nhà nghỉ ca mới thấy máu me đầy quần mới biết mình bị vắt cắn. Chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp như thuốc, dùng muối ớt sát vào giầy, ủng nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào”, anh Chung chia sẻ.
 
Vị trí 344 là một trong nhiều vị trí nằm trên đồi cao có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở là rất cao, mỗi đợt mưa lớn là Đội Truyền tải điện Mai Châu lại phải kiểm tra ngay tình trạng vận hành của vị trí, có những lần mưa lớn nước suối dâng cao chảy xiết những người công nhân không thể nào qua để kiểm tra được, truyền tải điện Hòa Bình đã sử dụng Flycam có gắn camera để kiểm tra.
 
Những người công nhân của Đội Truyền tải điện Hòa Bình vẫn còn nhớ như in thời điểm năm 2019 do mưa lớn đường vào đoạn gần thủy điện So Lo đất đá trên đồi sạt xuống đường gây chia cắt mà từ điểm này đến vị trí còn 5km các anh đã phải đi vòng lên Sơn La và quãng đường tăng lên gần 100km để tiếp cận vị trí kiểm tra tình trạng vận hành của vị trí.
 
47 năm tuổi đời và 23 năm gắn bó với truyền tải điện Hòa Bình thì có 21 năm anh Chung công tác ở Đội Truyền tải điện Mai Châu, nhiều kỷ niệm trong quá trình làm việc đã trở thành những dấu ấn in sâu trong anh. Giọng bùi ngùi anh kể, nhớ ngày lễ Quốc khánh năm 2020, qua số điện thoại chúng tôi dán trên cột, được người dân gọi báo vị trí 66 đường dây 220kV Thành Sơn – Nho Quan bị sạt lở kè bảo vệ móng cột, ngay lập tức đội chúng tôi tập trung quân tiếp cận vị trí, trong khi thời tiết mưa to, vị trí cột nằm trên sườn đồi có độ dốc cao, đường từ vị trí đi ôtô 20km, từ điểm xuống ôtô vào vị trí khoảng 2,5km, đi bộ vào mất khoảng 1 giờ 45 phút, đường trơn trượt, đi bộ phải dùng thêm gậy để chống. Khi vào đến nơi toàn bộ phần kè bảo vệ móng cột do mưa kéo dài nhiều ngày đã làm cho sạt hư hỏng toàn bộ, nguy cơ sạt đổ cột rất cao, nên đội đã khắc phục tạm ngay bằng các vật tư đã chuẩn bị trước mùa mưa bão, kết hợp với nhân công thuê tại địa phương cùng CBCNV trong đội vận chuyển dụng cụ vật tư nhanh chóng chằng néo 4 chân cột lại với nhau, phủ bạt toàn bộ phần móng và phần kè bị hư hỏng tránh nước mưa tiếp tục làm sạt lở tiếp. Và chỉ trong vòng một buổi chiều, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Truyền tải điện Hòa Bình để nhanh chóng thực hiện việc xử lý xây lại kè mới.
Những người “lính” của đội truyền tải điện Mai Châu phải lội suối, băng rừng mới đến được vị trí 344 ĐZ 500 kV Sơn La- Hòa Bình-Nho Quan.
 
“Gần đây nhất đúng ngày mồng Một tết Nhâm Dần, vào lúc 12h15, ngay sau khi anh em trực tết ăn xong bữa cơm đầu năm thì chúng tôi nhận được lệnh từ đơn vị giao sự cố Đường dây 500kV Sơn La – Nho Quan, nhanh chóng tập trung công nhân xuống phòng làm việc. Từ những thông tin sự cố của đơn vị cung cấp chúng tôi đã cùng nhau phân tích, khoanh vùng điểm sự cố, cấp phiếu công tác và lên xe đi tìm sự cố. Thời tiết mưa phùn, gió bắc lạnh giá, cái rét “cắt da, cắt thịt” nhưng các công nhân phải leo núi tiếp cận vị trí, trèo lên cột kiểm tra từng chuỗi cách điện, hành lang tuyến,… đến 16 giờ 15 phút thì phát hiện được điểm sự cố tại vị trí cột 446, nguyên nhân do sét đánh vào đường dây gây quá điện áp khí quyển dẫn đến phóng điện trên chuỗi cách điện gây hư hỏng chuỗi cách điện pha C”, anh Chung chia sẻ.
 
Cũng theo anh Chung cho biết, hành lang tuyến đường dây của Đội Truyền tải điện Mai Châu quản lý chiếm 95% là đi qua rừng rậm, núi cao cây cối phát triển nhanh, vượt qua nhiều sườn đồi, vách núi, cây trên tà ly dương nếu bình thường nhìn thì thấy khoảng cách xa đường dây nhưng khi có dông lốc thì nguy cơ đổ bay vào đường dây gây sự cố là rất cao. Bên cạnh đó, người dân địa phương thường có tập tục đốt nương làm rẫy, nhận thức được điều này nên lãnh đạo đội và anh em công nhân đặc biệt quan tâm, việc phát dọn hành lang tuyến, tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của công trình và những mối nguy cơ có thể gây sự cố cho đường dây phải được thực hiện thường xuyên.
 
Chuyện của những người gác điện giữa rừng Mai Châu còn nhiều lắm nhưng nhờ có các anh mà dòng điện thân yêu của tổ quốc đã được truyền tải liên tục, an toàn, góp phần vào sự bình yên cho mỗi ngôi nhà, sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp, nền kinh tế, sự ổn đinh về an ninh, trật tự xã hội.. Các anh chính là những "người lính” thầm lặng, góp phần làm nên mùa xuân của đất nước.
 
Theo: Báo Công thương