So với bếp gas, bếp từ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được 20-30% chi phí nấu ăn. Bếp từ an toàn cho trẻ em, không gây bỏng khi sờ vào bề mặt bếp. Hầu hết các bếp hiện nay đều có chế độ khóa an toàn và rất dễ vệ sinh, thời gian nấu ăn được rút ngắn hơn so với bếp gas.
Tuy nhiên hạn chế của bếp từ là phụ thuộc nguồn điện, chi phí mua ban đầu khá tốn kém, trung bình từ 8 triệu đồng trở lên mới sở hữu được một chiếc bếp từ đôi.
Dưới đây là một số sai lầm khi sử dụng bếp từ khiến tiền điện tăng vùn vụt:
Chỉ dùng đúng một chức năng khi nấu
Các bà nội trợ nên dùng đúng các chức năng của bếp từ khi nấu vì các chức năng được nhà sản xuất lập trình để tối ưu hóa điện năng và hiệu quả cho một loại quá trình nấu nướng riêng biệt của người dùng. Khi được sử dụng đúng sẽ tiết kiệm được nhiều điện năng và nấu nướng đạt hiệu quả cao hơn
Có nhiều người có thói quen chỉ dùng đúng một chức năng khi nấu, điều đó sẽ tốn nhiều điện năng hơn.
Rút nguồn điện bếp ngay khi vừa nấu xong
Sai lầm nhiều người hay mắc phải là cho rằng khi sử dụng bếp điện từ xong rút nguồn điện ngay lặp tức là cách mọi người hay làm để tiết kiệm điện.
Nhưng thực tế việc làm này là không nên vì khi rút nguồn điện ngay sau khi sử dụng sẽ làm cho chế độ làm mát của bếp điện từ chưa được vận hành và hoạt động, làm cho thời gian làm nguội bếp kéo dài hơn, về lâu dài có thể gây hại cho bếp.
Do vậy, cách đúng nhất để tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ cho bếp điện từ là sau khi sử dụng xong, bạn ấn nút off để tắt bếp, đợi 30 phút sau rùi rút nguồn điện ra nhé!
Nấu ăn ở nhiệt độ cao quá lâu
Bếp điện có tính năng cho phép người sử dụng điều chỉnh nhiệt độ theo từng món ăn phù hợp. Nhiệt độ càng cao thì thức ăn càng nhanh chín. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc điện năng tiêu thụ cũng tăng lên, nhất là đối với các loại bếp hồng ngoại, sức nóng sẽ tỏa ra bên ngoài nhiều sẽ làm hao phí năng lượng hơn.
Chỉ nên sử dụng mức nhiệt tối đa khi nấu thức ăn cần nhiệt độ cao trong thời gian ngắn khoảng vài phút. Với các loại thức ăn thông thường, nên để mức nhiệt trung bình, khi nấu sôi thì giảm nhiệt độ xuống mức nhỏ nhất.
Để không đúng vị trí khi nấu
Vị trí của mân từ được kí hiệu bằng một vòng tròn trắng trên mặt bếp. Nên đặt nồi tại đúng vị trí được quy định sẽ nấu nhanh hơn và tiết kiệm điện năng hơn, tránh hao phí điện năng không đáng có trong quá trình sử dụng bếp.
Ngoài ra, khi đặt nồi đúng vị trí quy định sẽ giúp mặt kính bền hơn vì trọng lượng được phân bổ đều lên trên mặt bếp.
Không sử dụng đúng loại nồi
Bếp từ khá kén nồi. Chất liệu nồi thích hợp nhất để dùng cho bếp từ là thép, sắt tráng men, thép không gỉ (inox) hay nồi có đáy từ. Nồi phải có đáy dày và phẳng, đường kính từ 12 - 26cm để hấp thụ nhiệt tốt. Bạn không nên dùng chảo nhôm vì chúng không bị nhiểm từ, do đó không nấu được trên bếp từ.
Điều chỉnh nhiệt độ rồi mới đặt nồi lên
Nhiều người có thói quen điều chỉnh nhiệt độ rồi mới đặt nồi lên, như vậy sẽ làm hao phí điện năng. Thay vì thế, kiểm tra nồi đã đặt đúng vị trí hay chưa rồi chỉnh nhiệt độ sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu sẽ giúp bạn một phần nào tiết kiệm năng lượng và thời gian nấu.
Không tắt bếp trước vài phút
Một mẹo tiết kiệm điện khác là bạn hãy tắt bếp từ trước khi thức ăn chín khoảng vài phút. Mặc dù đã ngắt điện nhưng trên bếp từ vẫn còn hơi nóng đủ để làm chín thức ăn hoàn hảo như bạn mong muốn.
Không đọc kỹ và hiểu rõ các thông tin trên bảng điều khiển
Người sử dụng thường hay mắc phải sai lầm là sử dụng bếp mà không đọc kỹ bảng điều khiển dẫn đến nhầm lẫn gây ra tình trạng mất an toàn khi sử dụng chế độ không phù hợp. Vì vậy, khi chưa sử dụng quen các biểu tượng trên bếp cần đọc chú thích ghi trên bếp rõ ràng để chọn đúng chức năng nấu cần sử dụng của bếp.
Không vệ sinh bếp thường xuyên
Những vết dầu mỡ cháy khét lâu ngày trên mặt kính của bếp từ sẽ làm cho bếp giảm khả năng gia nhiệt , gây hao tốn điện năng trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra vết thức ăn sẽ bị cháy khét, lâu ngày làm chênh lệch nhiệt độ khi nấu sẽ gây nên hiện tượng nứt mặt kính bếp từ. Cách tốt nhất là vệ sinh ngay sau mỗi lần sử dụng là được.
Đặt bếp sát mép tường và các vật khác
Trong quá trình nấu nướng, bếp điện từ sinh ra một lượng nhiệt khá lớn, nhiệt năng tỏa ra môi trường xung quanh, nếu đặt bếp cạnh mép tường hơi nóng sẽ dễ tích tụ và dễ gây ẩm mốc. Còn khi đặt cạnh các vật dụng khác thì nhiệt lượng này dễ làm hư lại và gây nguy cơ cháy nổ cao.
Không chọn đúng dụng cụ nấu nướng
Do bếp từ nóng rất nhanh nên phải sử dụng những dụng cụ nấu nướng có khả năng chịu nhiệt cao. Các loại muỗng gỗ và xẻng xào chịu nhiệt luôn là những chọn lựa phù hợp nhất đối với bếp điện. Nếu dùng muỗng kim loại, chúng sẽ dẫn nhiệt rất nhanh còn những vật dụng bằng nhựa có thể tan chảy.