Élodie Chavret tạo hình bánh mì tại tiệm bánh ở Millery. Ảnh: CNN
Tại Millery, thị trấn nhỏ ở miền đông nước Pháp, Chavret mở một tiệm bánh để kiếm sống, nuôi bản thân và hai con gái. Người phụ nữ 39 tuổi còn làm lính cứu hỏa bán thời gian, nhưng với cô, đối mặt với những đám cháy không đáng sợ bằng hóa đơn tiền điện mỗi tháng.
Tiền điện tại tiệm bánh tăng vọt từ 900 Euro (978 USD) hồi tháng 12/2022 lên 7.500 Euro (8.146 USD) vào tháng 1. Nhờ trợ cấp của chính phủ Pháp, hóa đơn điện giảm còn 4.500 Euro (4.888 USD) mỗi tháng, nhưng cô cho hay đây vẫn là mức "không thể chịu nổi".
Chi phí năng lượng sẽ ăn mòn toàn bộ lợi nhuận của tiệm bánh, vốn đang khó khó do chi phí nguyên vật liệu và xăng dầu tăng, cũng như tiền lương tăng lên cho 6 nhân viên.
Tháng 11/2022, UNESCO tuyên bố bánh mì baguette của Pháp là "di sản văn hóa phi vật thể" do kiến thức và kỹ thuật cần thiết để sản xuất ra loại bánh này, cũng như vai trò quan trọng của nó trong cuộc sống thường nhật của người Pháp.
Tuy nhiên, nhiều tiệm bánh đang khó khăn và đứng trên bờ vực đóng cửa do lạm phát nghiêm trọng, khiến giá cả mọi thứ đều tăng vọt. "Nếu tình hình này tiếp diễn, chúng tôi sẽ đóng cửa", Nicolas Amaté, chủ một tiệm bánh ở thị trấn Lons-le-Saunier, miền đông nước Pháp, nói.
Giá đầu vào trong ngành sản xuất của Pháp, trong đó có giá đầu vào của các tiệm bánh, tăng lên dù lạm phát đã chậm lại sau khi đạt đỉnh hồi tháng 4/2022, theo khảo sát của S&P Global.
Hai năm trước, Amaté mua bơ giá 6 Euro (6,52 USD)/kg, nhưng giá bơ hiện đã tăng gấp đôi, còn bột mì tăng ba lần trong một năm. Trứng, sữa và kem cũng đắt hơn nhiều. Nhưng lạm phát giá năng lượng đặc biệt gây khó khăn cho nhiều ngành nghề, bởi mức tăng quá nhanh.
Xung đột Nga - Ukraine cùng hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây khiến giá khí đốt của châu Âu tăng vọt năm ngoái, kéo theo giá điện tăng. Giá điện ở Pháp cũng cao hơn do gần một nửa số nhà máy điện hạt nhân đóng cửa năm 2022 để bảo trì, ảnh hưởng 70% nguồn cung điện của cả nước.
Theo dữ liệu Sàn Giao dịch châu Âu, giá điện của Pháp tăng cao kỷ lục hồi tháng 8/2022, sau đó giảm dần xuống, nhưng giá điện tháng 3 vẫn cao gần gấp ba lần so với mức trung bình trước khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.
Chính phủ Pháp ngày 1/1 đưa ra gói hỗ trợ 20% chi phí điện một năm cho các tiệm bánh có 10-25 nhân viên. Các tiệm ít hơn 10 nhân viên có thể hưởng ưu đãi thuế, giúp hạn chế mức tăng hóa đơn điện hàng năm ở mức 15%.
Nhưng Thierry Maillard, người mở tiệm bánh ở tây bắc Paris cùng vợ là Catherine, cho hay khoản hỗ trợ 20% không đủ để trang trải chi phí điện tăng 500% mà ông đang đối mặt. Maillard đang cố đàm phán hợp đồng với một nhà cung cấp điện khác, dù có thể phải chịu chi phí điện tăng gần gấp đôi.
Nicolas Amaté và vợ trong tiệm bánh ở Lons-le-Saunier, thị trấn miền đông nước Pháp. Ảnh: CNN
Frédéric Roy, thợ bánh ở Nice, hành động quyết liệt hơn. Hồi tháng 10/2022, ông đồng sáng lập một tổ chức tập hợp thợ làm bánh trên Facebook, hiện có 2.100 thành viên. Họ tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên ở Paris hồi tháng 1, yêu cầu chính phủ tăng hỗ trợ giá điện và ưu đãi thuế.
Roy cho rằng chi phí điện đang ở "tình thế rất nguy cấp", thôi thúc ông phải hành động. "Tôi đã làm nghề này 35 năm, nhưng chưa bao giờ đối mặt tình huống thế này. Tôi chưa bao giờ đi biểu tình trong đời", Roy nói.
"Nhiều thợ bánh đồng nghiệp của tôi đã phải sa thải nhân viên vì không thể chi trả mọi thứ", ông nói thêm, lưu ý một số tiệm đã "đóng cửa vĩnh viễn".
Tăng giá là một biện pháp để các tiệm bánh đối phó với chi phí leo thang. Dominique Anract, chủ tịch Liên đoàn các tiệm bánh Pháp, tổ chức đại diện cho 33.000 tiệm bánh thủ công ở Pháp, đã thúc đẩy đề xuất này.
"Nếu các thợ bánh làm theo hướng dẫn của chúng tôi về sử dụng điện, nếu họ tăng giá bán và tận dụng gói hỗ trợ của chính phủ, các tiệm bánh sẽ không bị đe dọa", Anract nói.
Nhưng nói luôn dễ hơn làm, theo các chủ tiệm bánh. Chavret cho hay năm ngoái cô bán bánh mì baguette giá 1,05 Euro một chiếc. Bây giờ, giá tăng 14% lên 1,2 Euro. Cô sẽ phải tăng giá nhiều sản phẩm mới có lời. Giá của mỗi chiếc bánh mì baguette truyền thống sẽ phải tăng gấp ba lần.
"Người Pháp chưa sẵn sàng trả 3 Euro cho một chiếc baguette", Chavret nói.
Maillard cũng chung quan điểm. Ông đã tăng giá bánh mì baguette của tiệm hai lần trong năm qua từ 1,1 Euro lên 1,3 Euro. Tuy nhiên, tăng giá chỉ bù đắp chi phí nguyên vật liệu cao hơn như bơ và trứng, và không thể tăng nữa vì sẽ khiến khách hàng không dám mua.
Để tiết kiệm điện, Chavret và nhân viên liên tục tắt đèn và hệ thống sưởi trừ khi trời quá lạnh, nhưng hóa đơn điện của tiệm bánh vẫn ở mức cao nhất từ khi khai trương.
Giá bán các loại bánh trong tiệm của Maillard. Ảnh: CNN
Sự sống còn của các tiệm bánh không chỉ là sinh kế của thợ bánh và nhân viên. Các tiệm bánh ở Pháp đóng vai trò huyết mạch của nhiều thị trấn và thôn xóm, là không gian công cộng hiếm hoi, nơi mọi người tới giao lưu, gặp gỡ. Chavret cho hay các cuộc trò chuyện, hàn huyên ở tiệm bánh giúp mọi người kết nối.
"Nếu các tiệm bánh đóng cửa, chúng ta sẽ mất đi một khía cạnh nhân văn của cuộc sống, nơi giúp mọi người giao tiếp, hỗ trợ lẫn nhau", cô nói. "Người ta sẽ không trò chuyện với nhau ở trung tâm thương mại".
Maillard đưa ra cảnh báo rõ ràng hơn.
"Trong một ngôi làng hay khu phố, nếu tiệm bánh biến mất, các ngành nghề khác xung quanh cũng biến mất theo. Đó là hồi chuông báo tử của văn hóa xóm làng", ông nói. "Tiệm bánh là linh hồn cuộc sống của nhiều khu phố, ngôi làng".
Link gốc