Tin trong nước

Niềm vui của người thợ điện

Thứ ba, 4/8/2020 | 11:16 GMT+7
Do đặc thù công việc nên dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, những người thợ áo cam vẫn phải hoàn thành công việc nhằm đảm bảo dòng điện được an toàn, thông suốt.
Niềm vui của người thợ điện
Sự hài lòng của khách hàng chính là niềm vui lớn nhất của những người thợ điện. Ảnh minh họa.
 
23 giờ tối, huyện miền núi Khánh Vĩnh –Khánh Hòa trở nên vắng lặng, không một bóng người, chỉ văng vẳng tiếng côn trùng kêu đêm. Giữa bao la tĩnh lặng của đất trời miền sơn cước, trạm điện Khánh Vĩnh (thuộc Điện lực Diên Khánh – Khánh Vĩnh – PC Khánh Hòa) vẫn sáng đèn. Hai công nhân trực sửa chữa điện Trần Hùng Mạnh và Nguyễn Tuyền hối hả chuẩn bị giỏ đồ nghề chuyên dụng để kịp đi xử lý sự cố cho 1 trang trại chăn nuôi gia súc cách đó hơn 10 km bị mất điện đột ngột. Bóng 2 người thợ điện cùng cây sào cách điện và chiếc đèn pin với ánh sáng le lói dần khuất vào trong đêm tối…
 
Khánh Vĩnh được biết đến là huyện nghèo miền núi nằm ở cực Tây của tỉnh Khánh Hòa với hơn 93% khách hàng sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt, 7% khách hàng sử dụng điện vào các mục đích sản xuất, kinh doanh. Để đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn được liên tục, thông suốt; lịch công tác của bộ phận trực sửa chữa điện tại đây là 24/24. Đặc thù của lưới điện miền núi là dân cư thưa thớt, địa bàn quản lý rộng, các trang trại chăn nuôi thường cách xa trung tâm huyện nên việc di chuyển qua những đoạn đường dài trong đêm để kịp thời khắc phục sự cố mất điện cho khách hàng là công việc thường xuyên của những người thợ điện miền núi Khánh Vĩnh.
 
Nói về việc công tác xử lý sự cố trong đêm, anh Trần Hùng Mạnh – công nhân đa nghề Đội quản lý vận hành lưới điện Khánh Vĩnh chia sẻ: “Anh em ở đây ai cũng quen với việc xử lý sự cố điện trong đêm, đến 1 hay 2 giờ sáng mới về đến trạm là chuyện bình thường. So với ban ngày thì làm việc ban đêm có nhiều điều khác biệt, thời tiết mát mẻ hơn nhưng di chuyển và thao tác lại khó khăn hơn rất nhiều, nhiều người yếu bóng vía có khi cũng không đủ can đảm để có thể vượt qua một quãng đường dài trong rừng khuya”, vừa nói anh Mạnh vừa cười.
 
Ở miền núi, khi đi xử lý sự cố trong đêm thì điều đáng lo nhất của công nhân sửa chữa điện là phương tiện di chuyển bị hư hỏng giữa đường. Còn ở đồng bằng, đối với anh em công nhân xây lắp, thi công lưới điện thì nỗi lo lớn nhất chính là thi công không kịp tiến độ đề ra, làm cho thời gian mất điện kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là vào mùa nắng nóng. Chính vì lẽ đó mà mặc cho cái nắng gay gắt trên đỉnh đầu vào 12 giờ trưa, anh em công nhân vẫn thi công trên đỉnh trụ để chạy đua với thời gian, kịp “trả lưới” cấp điện trở lại cho khách hàng. Và bữa cơm trưa đôi khi lại trở thành bữa cơm chiều đối với những người thợ áo cam.
 
Chia sẻ về nghề nghiệp của mình, anh công nhân Nguyễn Trọng Huy – Xí nghiệp Xây lắp công nghiệp (PC Khánh Hòa) cho biết: “Nghề chọn mình và mình cũng đã chọn nghề rồi thì bản thân sẽ cố gắng làm thật tốt công việc được giao. Tuy vất vả nhưng niềm đam mê, yêu thích công việc đã tạo động lực cho tôi thêm gắn bó với nghề. Và sự hài lòng của khách hàng chính là niềm vui lớn nhất của những người thợ điện chúng tôi”.
 
Ngày qua ngày, luôn cố gắng vượt qua bao khó khăn vất vả trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, những người thợ điện chỉ có một mục đích là đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho khách hàng. Và dẫu ngày hay đêm, nắng hay mưa, những con người ấy vẫn cần mẫn làm việc để góp phần mang ánh sáng đến với từng ngôi nhà, từng tuyến phố… trên mọi nẻo đường quê hương.
Theo: CPC