Ảnh minh họa.
Vậy là ánh điện đã được thắp sáng, như chính ngọn lửa của tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết đang rực sáng trong trái tim những người thợ điện.
Đã có rất nhiều công trình được hoàn thành đưa vào vận hành cấp điện chiếu sáng cho từng buôn làng khu vực vùng sâu vùng xa, nhưng ấn tượng với tôi nhất vẫn là công trình cấp điện chiếu sáng cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Mảnh đất xa xôi giáp ranh với địa phận tỉnh Đắk Nông về phía Đông Bắc. Người dân nơi đây thiếu thốn mọi về, do khu vực lòng chảo buôn Lách Ló bốn bề núi rừng bao phủ, muốn vào được địa phận của buôn phải băng qua khu vực những cánh rừng phòng hộ nên những năm trước đây hệ thống điện chưa về được với người dân nới đây.
Nhớ lại cái khoảnh khắc người dân nơi đây khi được nhìn thấy ánh sáng điện đầu tiên niềm vui như được nhân lên rất nhiều. Nằm cách trung tâm xã vùng sâu Nam Ka 20 km, đường vào buôn là những con dốc ngoằn ngoèo, đầy bùn lầy và lởm chởm đá. Hai bên đường cây cối rậm rạp, tĩnh mịch dễ làm chùn chân những vị khách lạ. Lách Ló lúc đó chỉ có 45 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống, người dân sống theo kiểu "tự cung tự cấp".
Nắm bắt được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, với sứ mệnh cao cả của ngành điện, là đơn vị ngành điện đóng chân trên địa bàn giáp ranh, Công ty Điện lực Đắk Nông được giao nhiệm vụ thực hiện công trình xây dựng mới đường dây trung - hạ áp và trạm biến áp, cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ buôn Lách Ló, xã Nam Ka, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Công trình cấp điện bằng cáp ngầm dài 4 km xuyên qua khu vực rừng phòng hộ, hệ thống điện về buôn với tổng chiều dài đường dây trung áp trên không là 3.900 mét, đường dây hạ áp là 800 mét và trạm biến áp phụ tải với công suất là 75kVA-22/2x0,23kV. Công trình ngay sau khi đóng điện đã cấp điện cho 45 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tổng mức đầu tư dự án gần 12 tỷ đồng.
Có thể nói, công trình cấp điện cho dân cư đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ buôn Lách Ló đã góp phần giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu có ánh sáng để sinh hoạt, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nhất là xóa đói giảm nghèo cũng như ổn định quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.
Có lẽ, đối với những ai đã trải qua nhiều công trình thực tế, thì 3.900 mét đường dây trung áp trên không và gần 4 km cáp ngầm vượt rừng phòng hộ mà chúng tôi đã lắp đặt và thắp sáng hôm đó chẳng có gì là to lớn. Nhưng đối với những người công nhân thợ điện chúng tôi thì ý nghĩa của nó rất lớn lao. Không một đồng tiền công, không một khoản bồi dưỡng, nhưng sáng lên trong ánh mắt mỗi người thợ điện là cả một niềm tự hào – tự hào về cái nghề mà mình đã chọn, tự hào vì đã đem được ánh sáng đến cho những người dân nơi xa xôi và nghèo khổ như vậy, tự hào vì đã góp phần làm ấm áp những trái tim con người nhỏ bé trong núi rừng tây nguyên hiểm trở như vậy.
Đến nay cũng được mấy năm kể từ khi có ánh sáng của điện về. Người dân nơi không những có ánh sáng để sinh hoạt mà điện còn làm cho người dân có thể kinh doanh sản xuất, đời sống của người dân ngày càng phát triển hơn. Là một người thợ điện, em cũng mong rằng mình cũng sẽ góp phần sức lực nhỏ bé của mình để có thể đưa ánh sáng đến những nơi xa xôi, khó khăn nhất, giúp cho người dân ở nơi đó được ấm áp hơn.