Nỗ lực đảm bảo vận hành an toàn lưới điện quốc gia tại Truyền tải điện Kon Tum

Thứ hai, 19/8/2019 | 14:39 GMT+7
Để quản lý, vận hành an toàn lưới điện quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum, truyền tải điện Kon Tum đặc biệt coi trọng công tác  tuyên truyền gắn với đầu tư công nghệ hiện đại. 

Ông Trần Hoàng Đạo GĐ TTĐ Kon Tum.
 
Truyền tải Điện Kon Tum hiện đang quản lý, vận hành 2 trạm biến áp 220kV và gần 350km đường dây 220kV-500kV đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum và một phần của tỉnh Gia Lai, trong đó có hơn 240km đường dây 500kV (mạch 1 và mạch 2) và khoảng 90km đường dây 220kV. Có 3 vấn đề lớn, nổi cộm trong công tác quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn lưới điện quốc gia đi qua địa bàn. 
 
Thứ nhất, Kon Tum là địa bàn trồng cây cao su công nghiệp quy mô lớn, cây chạy dọc hành lang tuyến, lại sinh trưởng nhanh, vào mùa mưa bão nguy cơ ngã đổ, vi phạm hành lang tuyến rất cao. Do vậy, đơn vị đã chủ động phối hợp, cùng với các cấp chính quyền, công an địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện tới nhân dân.
 
Thực tế trên tuyến đường dây 500kV mạch 1 đoạn đi qua địa bàn huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum, Đội trưởng Đội an ninh kinh tế tổng hợp Phạm Xuân Minh hiện đang công tác tại Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Kon Tum, cho biết, đường dây 500kV là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nên việc đảm bảo an toàn cho tuyến đường dây thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng công an. Về công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện tới người dân, ông Phạm Xuân Minh cho biết, đơn vị thường tổ chức các buổi vận động tập trung đối với những khu vực dân cư ở gần khu vực hành lang. Tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi cho người dân.  Đồng thời vận động đến từng hộ gia đình viết các bản cam kết liên quan đến đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cũng như là vận động người dân tham gia công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự trên dọc tuyến đường dây - nơi có hệ thống lưới điện đi qua..)
 

Thực hành thiết bị dò tiếp địa trên tuyến đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 đi qua địa bàn huyện Đắc Tô.
 
Một khó khăn lớn nữa trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện ở Kon Tum, đó là mùa khô cũng là thời điểm bà con ở nhiều nơi trên địa bàn tập trung đốt nương làm rẫy nên nguy cơ cháy lan làm ảnh hưởng tới lưới điện rất cao. Cùng với tuyên truyền, vận động người dân không đốt nướng rẫy thì thu dọn thực bì, phát quang hành lang tuyến là công việc thường nhật của công nhân Truyền tải điện Kon Tum.
 
Vất vả nhất trong quản lý, vận hành lưới điện khu vực Kon Tum và Gia Lai trong mùa mưa bão chính là nguy cơ sự cố do sét đánh vào đường dây rất lớn. Theo tính toán của Viện nghiên cứu Vật lý và các Trung tâm tư vấn và quan trắc địa lý, mật độ giống sét ở đây cao hơn nhiều lần so với các khu vực khác. Ông Trần Hoàng Đạo - Giám đốc Truyền tải điện Kon Tum cho biết, đơn vị chú trọng áp dụng công nghệ mới nhằm giảm thiểu nguy cơ sét đánh vào đường dây. "Hiện nay, công ty cũng đã đưa thiết bị UAV vào vận hành, và chủ yếu phục vụ cho việc kiểm tra hành lang tuyến cũng như kiểm tra về kỹ thuật trên tuyến đường dây. Đối với TTĐ Kon Tum thì vừa rồi chúng tôi cũng trang bị loại máy dò tiếp địa để xác định hoàn công lại toàn bộ hệ thống tiếp địa, xác định sự hư hỏng của tiếp địa và đó cũng là một trong những giải pháp giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu được sự cố do sét đánh…".
 
Ông Đỗ Đức Nhuận - công nhân thợ nghề bậc 6/7, Đội Truyền tải Điện Đắc Tô, Truyền tải Điện Kon Tum cho biết, "công dụng của thiết bị này là để rà soát, kiểm tra tất cả hệ thống chống sét trên đường dây, nhất là hệ thống tiếp địa chạy ngầm dưới lòng đất. Trước mùa mưa bão thì thường xảy ra giông sét, cho nên đơn vị phải kiểm tra tất cả các vị trí trên tuyến có đảm bảo yêu cầu hay không. Nếu có những vị trí không đạt yêu cầu thì phải xử lý kịp thời. Trước đây, khi có sự cố sét đánh trên đường dây thì anh em phải đi bộ tìm kiếm điểm sự cố do rơ-le báo khoảng cách có nhiều sai số. Và sau khi đã tìm ra sự cố rồi thì phải đào lên để kiểm tra hệ thống tiếp địa. Việc đào kiểm tra hệ thống tiếp địa gặp rất nhiều khó khăn vì có những hệ thống dây tiếp địa - tiếp đất để chống sét trên đường dây gặp nhiều cản trở như là đá hay gốc cây.. thì bị sai lệch. Sau này có hệ thống dò tiếp địa dưới lòng đất thì anh em đỡ vất vả, công sức tìm kiếm đã giảm, thời gian cũng giảm đi rất nhiều…".
 
Trên thực tế trước đây, để tìm được sự cố do giông sét rồi đào lên để xử lý được phải cần ít nhất từ 6-8 người, thậm chí phải kéo dài vài ngày. Nhưng từ khi được trang bị máy dò tiếp địa, chỉ cần 2 người thực hiện trong vòng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Có thể thấy, nhờ được đầu tư các công nghệ mới này đã giúp công nhân truyền tải điện bớt được rất nhiều nỗi vất vả, nặng nhọc, qua đó “mỗi người làm việc bằng hai”, năng suất lao động cũng vì thế mà cao hơn.
Nguyên Long/Icon.com.vn