Tiến độ công trình

Nỗ lực khắc phục nguy cơ "Thủ đô thiếu điện"

Thứ hai, 5/12/2011 | 13:30 GMT+7

Hà Nội hiện đang đứng trước nguy cơ  thiếu điện trầm trọng trong vòng vài tháng tới. Lúc này, các cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc “quyết liệt”.

Được biết các phương án cấp bách đã được đưa ra một cách cụ thể và chi tiết với từng phần việc bị vướng. Tuy nhiên, gỡ được đến đâu vẫn còn phụ thuộc vào phần thực hiện.

Cần hoàn thành 4 công trình cấp bách

Thực chất, sau khi xảy ra tình trạng thiếu điện trầm trọng mùa khô năm 2010, không chỉ UBND TP Hà Nội mà cả Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã ra không dưới 10 văn bản chỉ đạo các phần việc phải hoàn thành để đảm bảo cấp điện cho Thủ đô.

Tuy nhiên, từ bấy đến nay vẫn chưa việc nào được giải quyết triệt để. Được biết, các dự án cấp bách cần đưa vào vận hành trong năm 2011-2012 để đảm bảo điện cho năm tới là trạm biến áp Vân Trì (đã đóng điện hoàn thành phía 110 kV) và trạm biến áp Thành Công được dự kiến đóng điện vào tháng 6 năm sau.

Dù vậy, việc đóng điện các TBA này sẽ không có ý nghĩa nếu không thực hiện được 2 dự án đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công và Vân Trì - Sóc Sơn, vốn đến thời điểm này vẫn đang gặp vướng mắc. Đối với đường dây Hà Đông- Thành Công, dù đã khởi công từ tháng 12/2009 nhưng đến nay vẫn còn một số điểm chưa giải phóng được mặt bằng (phần đất mở rộng ngăn lộ trạm biến áp) và một số điểm phải hiệu chỉnh thiết kế do vướng khu đô thị mới Lê Trọng Tấn.

Thực chất ngày 29/8, Sở TN&MT đã ra chỉ lệnh cắm mốc cho phần mở rộng ngăn lộ và vào tháng 10 đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trên thực địa. Tuy nhiên đến nay trung tâm phát triển quỹ đất quận Hà Đông vẫn chưa tổ chức ký hợp đồng và triển khai công tác GPMB dự án.



Hà Nội cần hoàn thành 4 công trình cấp bách trong vài tháng tới.

Về đường dây Vân Trì - Sóc Sơn, do đi qua địa bàn 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn nên còn rất nhiều vướng mắc. Đến nay, đoạn đi qua Mê Linh đã tổ chức cắm mốc giới GPMB trên thực địa và làm thủ tục bàn giao. Đến đầu tháng 11, chủ đầu tư đã tiến hành chi trả đền bù cho các hộ dân và được bàn giao 16 vị trí. Tuy nhiên 4 vị trí khác chưa bàn giao được do còn 6 hộ dân chưa nhận tiền đền bù.

Đối với diện tích 11 vị trí chân móng cột đi qua đất khu Công nghiệp Quang Minh chưa lập được phương án bồi thường do phần thì vướng thủ tục, phần thì chưa xác định được đơn giá là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp. Đoạn qua huyện Đông Anh, do chủ đầu tư thoả thuận hướng tuyến với UBND tỉnh Vĩnh Phúc đi một đằng, lại thỏa thuận với Hà Nội đi một nẻo khác, nên đến giờ vẫn vướng. Đoạn qua địa bàn Sóc Sơn có địa điểm chưa xác định được nguồn gốc đất để lên phương án đền bù.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Tiến Thắng, Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã bóc tách hết từng vướng mắc nhỏ để đề xuất phương án giải quyết một cách chi tiết. Ông Thắng cũng cho rằng các phương án đề xuất UBND TP giải quyết đều khả thi, hi vọng sẽ sớm giải quyết được toàn bộ khúc mắc tồn tại bấy lâu.

Hà Nội cần hơn 20 nghìn tỷ đầu tư vào điện trong 5 năm tới

Dù chưa hoàn thành được công trình nào theo qui hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006 - 2010 thì Hà Nội cũng vẫn cứ phải tiếp tục ra quy hoạch mới theo dự báo đòi hỏi thực tiễn trong thời gian tới.

Theo đó, quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối tháng 8 vừa qua, cho đến năm 2015 nhu cầu sử dụng điện của Hà Nội sẽ gấp đôi 2010 (đạt 16,2 tỷ kWh). Để đáp ứng được yêu cầu này, Hà Nội sẽ phải xây dựng 8 trạm biến áp và 104 km đường dây 220kV; 32 trạm biến áp và 399 km đường dây 110 kV; xây mới và nâng cấp gần 3000 km đường dây trung thế 22 kV, xây mới và cải tạo nâng công suất hơn 6000 TBA phân phối 22 KV...

Ngoài ra còn hàng nghìn km đường dây hạ thế khác cũng cần phải xây mới và cải tạo. Được biết, để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ này, Hà Nội sẽ cần đầu tư khoảng 20,733 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nặng nề nhất vẫn là lưới 220 kV với gần 7 nghìn tỷ.

Ông Đàm Tiến Thắng cho biết: Khối lượng đầu tư xây dựng phải thực hiện là rất lớn, lượng vốn phải huy động nhiều và quỹ đất dành cho công trình điện và và hành lang bảo vệ lưới điện cao áp cũng không hề nhỏ tiếp tục là những khó khăn và thách thức rất lớn cho việc thực hiện Quy hoạch. Nếu không có giải pháp đột phá giải quyết triệt để các khó khăn trên thì đây là trở ngại lớn trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô. 

Một số dự án cấp bách để đảm bảo điện cho Hà Nội sau năm 2012

- Đường dây 220kV Vân Trì - Chèm: Có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường cung cấp điện cho khu vực trung tâm TP, giảm quá tải cho các đường dây 220kV từ nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên mặc dù dự án đã được phê duyệt thiết kế kỹ thuật từ năm 2007, UBND thành phố đã chỉ đạo nhiều lần giải quyết các vướng mắc nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để.

- TBA 220kV Long Biên: đã được thống nhất vị trí từ 2008, vốn thỏa thuận các tuyến 110kV đi trong khu vực đất của khu Đô thị Việt Hưng là cáp ngầm. Tuy nhiên, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết tổng mức đầu tư của dự án tăng cao, không vay được vốn để thực hiện.

Mặt khác hiện nay cơ sở hạ tầng của khu Đô thị Việt Hưng đã hoàn thiện, dân cư đã sinh sống ổn định, do đó việc xây dựng hạ ngầm tuyến đường dây đi vào khu vực này là hết sức khó khăn...

 

Theo: Công an Nhân dân