Nỗ lực xóa bỏ hiện tượng câu phụ tại Long An

Thứ tư, 20/11/2024 | 10:30 GMT+7
Tình trạng hộ câu phụ tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng điện năng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Để khắc phục tình trạng này, việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện (ĐTXD) ổn định là một trong những giải pháp cấp bách hiện nay.

Đầu tư xây dựng phần lưới điện trung thế.

Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cũng đóng vai trò quan trọng. Công ty Điện lực Long An (PCLA) luôn phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn tình trạng hộ câu phụ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn vẫn còn nhiều hộ dân phải dùng điện qua đường dây câu phụ, dẫn đến nhiều bất cập như mất an toàn điện, chất lượng điện áp không ổn định, giá điện cao do phụ thuộc vào chủ hộ cấp điện.

Đặc biệt, các hộ dân tại các vùng ven thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn điện trực tiếp từ lưới điện vì điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Còn tồn tại tình trạng đường dây sau điện kế cũ kỹ, xuống cấp, tình trạng mất trộm điện, vi phạm an toàn điện xảy ra thường xuyên.

Theo thống kê, số lượng tổ điện kế cần xóa hộ câu phụ vẫn còn lớn, tập trung tại các huyện như Đức Hòa (7.315 hộ); Bến Lức (2.628 hộ); Đức Huệ (2.048 hộ); Cần Đước (1.976 hộ); Tân Thạnh (630 hộ); Thạnh Hóa (528 hộ). Những hộ dân này phần lớn thuộc diện hộ nghèo có thu nhập thấp, sinh sống rải rác và không tập trung, gây khó khăn cho công tác ĐTXD.

Hoàn chỉnh đấu nối phần đường dây hạ thế.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ĐTXD nhất là ở các vùng nông thôn, đồng thời giải quyết các kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc HĐND các cấp. PCLA đã và đang đầu tư tập trung huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và các nguồn vốn vay khác. Mục tiêu hoàn thành cấp điện cho các hộ dân nông thôn, đặc biệt các hộ câu phụ được tiếp cận trực tiếp đến nguồn lưới điện quốc gia.
 
Dù đã đạt được những thành quả đáng kể, song công tác ĐTXD vẫn đối mặt với nhiều thách thức như nguồn vốn còn nhiều hạn chế; tại các khu vực ven sông, đầm lầy, vùng ngập nước đòi hỏi chi phí đầu tư cao và cũng như thời gian thi công kéo dài; thủ tục xin phép, cấp phép và giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Trong năm 2024, PCLA được EVNSPC phê duyệt cấp vốn ĐTXD lưới điện nông thôn là 529,87 tỷ đồng, tương ứng với 35 hạng mục công trình phân bổ đều trên địa bàn tỉnh Long An. Trong đó, tại huyện Tân Thạnh thực hiện đầu tư đường dây trung thế 19,17 km, đường dây hạ thế 29,34 km, dung lượng trạm biến áp 5.240 kVA với tổng mức đầu tư 46,013 tỷ đồng; Tại huyện Thạnh Hóa đường dây trung thế 18,5 km, đường dây hạ thế 14,54 km, dung lượng trạm biến áp 2.380 kVA với tổng mức đầu tư 36,738 tỷ đồng.

Đây là khu vực có dân cư tập trung đông, hiện không có lưới điện hạ thế, cấp điện cho người dân qua các nhánh rẽ vào nhà dân, bán kính cấp điện và khoảng cách từ điện kế về đến nơi sử dụng điện xa (trung bình khoảng 800 m có nơi lên đến hơn 1.200 m) dẫn đến tổn thất điện năng, có nơi điện áp trung bình khoảng 190V.
 
Một vấn đề khác, dây dẫn sau điện kế của các hộ dân sinh hoạt trong khu vực này chưa đảm bảo an toàn, do vận hành lâu năm nên chất lượng xuống cấp, dây dẫn chằng chịt, trụ đỡ chưa đúng quy cách hướng do người dân tự đổ có khả năng ngã đổ vào mùa mưa bão.

Có một số nơi dây dẫn được treo trên cây xanh, không có sứ cách điện trong khi dây dẫn vận hành lâu năm bị bong tróc vỏ thường xuyên xảy ra chạm chập, chưa đảm bảo an toàn về điện cho người dân có nguy cơ dẫn đến sự cố, gây nguy hiểm trực tiếp đến việc sinh hoạt hằng ngày của người dân trong khu vực.

Viêc ĐTXD này có thể xóa 108 điện kế tổng với khoảng 571 hộ dân, dự kiến khoảng 56 hộ phát triển mới trong thời gian tới. Đồng thời đảm bảo được vấn đề an toàn điện, nâng cao chất lượng điện, dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, cũng như đưa nguồn vào trung tâm phụ tải góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao khả năng cấp điện ổn định và phát triển phụ tải trong thời gian tiếp theo.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐXTD Công ty cho biết:” Trong thời gian qua, Công ty đã và đang không ngừng nỗ lực để đưa điện đến gần hơn với người dân, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc xóa hộ câu phụ không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm với xã hội, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận trực tiếp với nguồn từ điện lưới quốc gia một cách an toàn và ổn định. 

Hiện nay, công tác ĐTXD phục vụ xóa hộ câu phụ đã và đang được triển khai đồng bộ trên nhiều địa bàn, tập trung vào việc xây dựng và nâng cấp các hệ thống điện tại các khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành, địa phương và huy động mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn điện và giảm thiểu tổn thất điện năng”, ông Hải cho biết thêm.

Việc ĐTXD để xóa hộ câu phụ tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An là một trong những nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng. Nhiệm vụ này không chỉ cải thiện đời sống của người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp Long An từng bước đạt được các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm tiếp theo, Công ty Điện lực Long An cũng tiếp tục triển khai khảo sát, lập kế hoạch đầu tư, cải tạo xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh đề xuất EVNSPC bố trí vốn đầu tư lưới điện, xóa hộ câu phụ, cung cấp điện an toàn liên tục với chất lượng điện năng tốt nhất cho người dân.
 

Võ Danh