Lắp đặt Roto hạ áp turbine Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng công suất 600MW.
Thách thức với nước ta hiện nay là phải hài hòa các mục tiêu môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời duy trì mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP cao ở mức 6,5 - 7%. Việc thúc đẩy các nhà máy cơ khí trong nước tham gia chế tạo các thiết bị nội địa hóa hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Đây là vấn đề được thảo luận tại “Hội thảo APEC về các yêu cầu liên quan đến hàm lượng nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng” tổ chức trong hai ngày 7 - 8.10 tại Hà Nội.
Ưu tiên phát triển xanh
Hiện nay không ít quốc gia có yêu cầu hàm lượng nội địa hóa (LCRs) để khuyến khích sản xuất trong nước. Chính phủ Việt Nam hiện cũng đang tập trung vào các chính sách tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó LCRs được coi là một công cụ nhằm phát triển công nghiệp năng lượng xanh.
Theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỉ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu. Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…).
Thực tế, tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện năng nước ta tương đối cao và xu hướng vẫn chủ yếu khai thác từ thủy điện và nhiệt điện than. Cụ thể, trong năm 2014, thủy điện chiếm 39%, nhiệt điện than chiếm 28% và nhiệt điện chạy khí là 21%. Công suất điện gió mới chỉ đạt 52MW nhưng nhu cầu nội địa chưa cao nên chủ yếu xuất khẩu.
Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện vào khoảng 75.000MW. Điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 330 tỉ kWh, trong đó: Thủy điện chiếm 19,6%; nhiệt điện than vẫn là chủ yếu lên tới 46,8%; nhiệt điện khí đốt 24% (trong đó sử dụng LNG 4%); nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo chỉ dừng lại ở con số nhỏ bé 4,5%; điện hạt nhân 2,1% và nhập khẩu điện 3,0%.
Tăng tỉ trọng nội địa hóa nhiệt điện
Trong lộ trình xây dựng và phát triển ngành cơ khí điện, Chính phủ cũng yêu cầu đổi mới hiện đại hóa các nhà máy cơ khí điện hiện có, mở rộng liên doanh, xây dựng các nhà máy mới, tạo ra các khu vực chế tạo thiết bị điện. Phấn đấu đến năm 2020 tự chế tạo trong nước, không phải nhập đối với hầu hết các thiết bị lưới điện truyền tải và phân phối, chế tạo 50 - 60% thiết bị của các nhà máy nhiệt điện than; 40 - 50% thiết bị của nhà máy điện hạt nhân.
Theo ông Nguyễn Đức Cường - GĐ Trung tâm Năng lượng (Viện Năng lượng): “Hiện nay, chúng ta vẫn đang nhập khẩu turbin và lò hơi từ Nhật Bản và thị trường EU. Chúng ta cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư, nguồn vốn; tự nghiên cứu và thiết kế một số thiết bị trong nhà máy nhiệt điện đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sao cho tỉ lệ nội địa hóa các thiết bị phụ đạt 50% trong năm 2020 và 70% trong năm 2030”.
“Thời điểm này, tỉ lệ nội địa hóa đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Đã có 3 nhà máy nhiệt điện than được lựa chọn để nội địa hóa, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng… Mục tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục chế tạo, nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 40% đối với nhà máy nhiệt điện than đầu tiên, 60% với nhà máy thứ hai và 80% với nhà máy thứ ba; đồng thời dần tiến tới mốc 100%” - ông Cường khẳng định.
Dù thời gian qua đã có nhiều chính sách cho năng lượng thay thế được triển khai như cơ chế hỗ trợ điện mặt trời, những giải pháp phát triển điện khí, điện sinh khối, điện gió... nhưng trên thực tế vẫn bị hạn chế. Chính vì thế, Việt Nam cần tăng cường hàm lượng nội địa hóa năng lượng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Mặt khác, để động viên các nhà máy cơ khí trong nước tham gia chế tạo các thiết bị nội địa hóa, ông Cường cho rằng, nên cho phép doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vay ưu đãi lãi suất thấp hơn vay thương mại với thời gian ân hạn phù hợp. Đồng thời có những ưu đãi về thuế (như thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp) và ưu đãi cho cơ sở hạ tầng và sử dụng đất…
Theo: Báo Lao động