Nội, ngoại đua làm điện mặt trời

Thứ tư, 3/1/2018 | 14:41 GMT+7
Trong bối cảnh thị trường năng lượng mặt trời ở Việt Nam đang “nóng” lên, sự xuất hiện mô hình đầu tư mới của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã làm tăng tính hấp dẫn, sự quyết liệt cho cuộc chiến “năng lượng mặt trời” được dự báo còn nhiều cam go.
Sản xuất pin mặt trời tại nhà máy của SolarBK.
 
“Độc chiêu” của SolarBK
 
Ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) cho biết, vừa qua, Dự án Hệ thống điện mặt trời cho trung tâm logistics của Công ty cổ phần ICD Tân Cảng - Sóng Thần tại tỉnh Bình Dương đã chính thức hoạt động giai đoạn I.
 
Theo đó, hệ thống được lắp đặt trên các mái kho hàng tại ICD Tân Cảng - Sóng Thần, với công suất 500,96 kWp. Dự án được triển khai hợp tác theo hình thức cho thuê tài chính từ nhà đầu tư SolarESCO (thành viên của SolarBK) thông qua việc đầu tư, lắp đặt và cung cấp điện cho doanh nghiệp trong vòng 12 năm.
 
Chỉ riêng hệ thống đã lắp đặt với công suất 500,96 kWp, ICD Tân Cảng - Sóng Thần có thể tiết kiệm 4,5% chi phí điện năng mỗi tháng trong thời hạn hợp đồng và 30% sau khi kết thúc hợp đồng, tương ứng giá trị tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng. Mỗi năm, hệ thống này sẽ tạo ra hơn 784.000 kWh, đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ điện của ICD Tân Cảng - Sóng Thần.
 
“Đây là giải pháp tài chính dành cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời với hình thức thanh toán linh hoạt”, ông Tuấn nói và cho biết, sau khi hợp đồng hết hạn, hệ thống sẽ được bàn giao lại cho ICD Tân Cảng - Sóng Thần quản lý, vận hành. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ triển khai Dự án giai đoạn II với công suất lên tới 1,155 MWp.
 
Một nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho biết, tổng chi phí đầu tư của SolarBK tại Dự án Tân Cảng - Sóng Thần không quá cao, gần 9 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn đầu tư cho Dự án, vốn đầu tư của SolarBK là khoảng 40%, số còn lại là vốn đối ứng của đối tác (vốn vay ngân hàng).
 
Mô hình mà SolarBK áp dụng tại Dự án, theo đánh giá, là giải pháp “đôi bên cùng có lợi”. Với ICD Tân Cảng - Sóng Thần, doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích về kinh tế, trong khi không phải bỏ vốn đầu tư. Quan trọng hơn, với dự án này, ICD Tân Cảng - Sóng Thần trở thành một trung tâm logistics “xanh” đầu tiên của cả nước.
 
Trong khi đó, với SolarBK, đây cũng là sự thử nghiệm quan trọng để đảm bảo cho “đầu ra” của dự án sản xuất tấm pin mặt trời của mình. Đầu năm nay, Công ty đã khởi công xây dựng “Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao” có tổng vốn đầu tư  385 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I (Bà Rịa - Vũng Tàu).
 
Nội - ngoại quyết đấu
 
Theo các chuyên gia, nhu cầu về năng lượng mặt trời trên toàn cầu bắt đầu tăng dần sau năm 2016, trong khi chi phí lắp đặt và sản xuất sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng nhiều nhất trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới… Tất cả những yếu tố này được cho là nguyên nhân khiến ngành sản xuất này ở Việt Nam nóng lên trong vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện của khá nhiều dự án nội - ngoại.
 
Mới nhất là trường hợp Dự án Sản xuất pin mặt trời theo công nghệ màng mỏng của Tập đoàn First Solar (Hoa Kỳ) tại TP.HCM có vốn đầu tư đăng ký 1,04 tỷ USD. Doanh nghiệp đã “âm thầm” triển khai xây dựng lại nhà máy từ đầu năm nay sau khoảng 6 năm tạm dừng, đồng thời điều chỉnh vốn đầu tư lên mức 1,066 tỷ USD. Dự kiến, tháng 9/2018, Dự án sẽ đi vào sản xuất thử nghiệm.
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan lại tập trung đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất tại khu vực phía Bắc. Chỉ tính riêng tại Bắc Giang, đã có 8 dự án sản xuất và lắp ráp tấm pin mặt trời của các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan được cấp phép. Đáng chú ý nhất là Dự án của Tập đoàn JA Solar với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trong đó, giai đoạn đầu là khoảng 300 triệu USD.
 
Trong số các doanh nghiệp nội mới công bố kế hoạch đầu tư cho dự án điện mặt trời, có lẽ “đình đám” nhất là các dự án của Tập đoàn Thành Thành Công. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến chi khoảng 1 tỷ USD cho 20 dự án điện mặt trời được đầu tư, xây dựng tại Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Huế, Gia Lai…
 
Tuy nhiên, điểm khác biệt là, trong khi các doanh nghiệp nội tập trung đầu tư dự án điện mặt trời (tạo ra điện năng để bán), thì các doanh nghiệp ngoại chú trọng nhiều hơn đến sản xuất các tấm pin mặt trời.
 
Trở lại câu chuyện của SolarBK, một doanh nghiệp Việt khá hiếm hoi làm chủ công nghệ sản xuất tấm pin mặt trời, thông tin chính thức từ Công ty cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty đã cung cấp giải pháp điện mặt trời cho thị trường nội địa lên đến 3 MWp, cùng lúc mở rộng quy mô nhà máy điện mặt trời với dây chuyền tự động 100%. Tháng 10/2017, SolarBK được Đà Nẵng phê duyệt Dự án Trang trại điện mặt trời (Solar Farm) có công suất 4,4 MWp.
 
Theo đại diện SolarBK, với cơ cấu vốn đầu tư của Dự án Hệ thống điện mặt trời cho trung tâm logistics tại ICD Tân Cảng - Sóng Thần, SolarBK chưa thể mạnh tay đầu tư bởi nguồn lực còn hạn chế, trong khi áp lực trả nợ vốn vay không nhỏ. Nói cách khác, nếu triển khai càng nhiều dự án, thì khả năng tiềm ẩn những nguy cơ xấu lại càng tăng thêm. Do đó, trong ngắn hạn, nhà đầu tư có lẽ không quá mặn mà với việc triển khai nhiều dự án trên diện rộng. Thay vào đó, sẽ ưu tiên đầu tư trọng điểm vào các khách hàng tiềm năng, với các dự án có tính thanh khoản cao.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời sẽ phát triển trong 15 năm tới và tỷ trọng điện năng được sản xuất từ năng lượng mặt trời có thể tăng từ mức 2% hiện nay lên 13% vào năm 2030.
 
Trong khi đó, việc đầu tư sản xuất pin năng lượng mặt trời cung ứng cho thị trường trong nước cũng trở nên hấp dẫn hơn sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với mức giá điện mặt trời bán lại cho EVN là hơn 2.000 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScents/kWh và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND/USD).

Theo: Báo Đầu tư