Hiện trường một vụ trộm cắp điện được phát hiện, xử lý tại Gia Lai.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra tình trạng trộm cắp điện. Điều này không chỉ gây tổn thất điện năng, mà hệ lụy của nó là gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, thiệt hại tài sản của nhà nước. Các trường hợp lấy cắp điện thường là khách hàng ở khu vực xa nơi dân cư, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế hoặc một số khách hàng dùng điện với sản lượng lớn để sản xuất, kinh doanh nên nảy sinh lòng tham trộm cắp điện.
Theo PC Gia Lai cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 40 vụ khách hàng trộm cắp điện, với sản lượng bồi thường 8.782kWh. Còn trong năm 2019, PC Gia Lai đã phát hiện 5.083 vụ vi phạm sử dụng điện; trong đó, vi phạm trộm cắp điện 82 vụ, sản lượng truy thu là 33.559 kWh, tương đương số tiền truy thu vi phạm sử dụng điện là trên 1 tỷ đồng.
Điển hình, tại Điện lực Pleiku, nhóm kiểm tra khách hàng sử dụng điện đã phát hiện khách Trần Cao A. (trú tại thôn 5, xã An Phú, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) có hành vi lấy cắp điện. Tổ công tác đã lập biên bản truy thu sản lượng điện là 726kWh, tương ứng với số tiền hơn 2,3 triệu đồng.
Tương tự, Điện lực Chư Prông đã kiểm tra và phát hiện khách hàng Nguyễn Kim D. (trú tại làng Nớt 2, Ia Me, ChưPrông) có hành vi lấy cắp điện, lập biên bản truy thu sản lượng điện là 978kWh, tương đương số tiền hơn 3,3 triệu đồng.
Hay tại Điện lực Đức Cơ, qua kiểm tra sử dụng điện cũng đã phát hiện và lập biên bản truy thu sản lượng điện là 281kWh, tương ứng với số tiền hơn 900.000 đồng của gia đình ông Rơ Com B. (làng Chan, Xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ).
Cũng theo PC Gia Lai cho biết, huyện Chư Sê có thể xem là điểm “nóng” trộm cắp điện. Thống kê trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện này đã phát hiện 6 trường hợp lấy cắp điện; Điện lực Chư Sê đã truy thu 3.853 kWh điện.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hành vi trộm cắp điện phổ biến là phá chì niêm tại công tơ rồi nối dây trước công tơ kéo về nhà, hay câu móc trực tiếp trên lưới hạ thế, hoặc lấy điện từ áp-tô-mát tổng của trạm biến áp... Những hành vi trên đều rất nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn điện bất cứ lúc nào, đồng thời gây nên sự cố lưới điện làm gián đoạn thời gian cấp điện và thiệt hại tài sản của nhà nước. Nguyên nhân trộm cắp điện chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, hám lợi làm liều; mặt khác, Gia Lai là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, phức tạp, khó kiểm tra…
Một điều dễ nhận thấy là, công nhân ngành điện khi thực hiện việc đấu nối, lắp đặt điện đều phải đảm bảo an toàn, đảm bảo quy trình thực hiện để không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản; còn người dân, họ tự động móc nối nguồn điện để sử dụng trái phép nên có nguy cơ bị điện giật rất cao, nhất là người dân tự ý trèo lên trụ điện hạ thế để câu dây trực tiếp trộm cắp điện.
Hiện nay, toàn PC Gia Lai có trên 4.628 km đường dây trung áp, 4.765 km đường dây hạ áp và trên 4.574 trạm biến áp phân phối trực tiếp cung ứng điện cho trên 408.000 khách hàng. Với khối lượng đường dây, trạm biến áp và khách hàng nhiều như vậy, để tránh tình trạng trộm cắp điện tiếp diễn, ngành điện rất cần sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục nhân dân trong việc sử dụng điện; đồng thời, khi có trường hợp nào lấy cắp điện, chính quyền địa phương phối hợp với ngành điện xử lý nghiêm đối tượng tội phạm này, có thể công khai trước các cuộc họp thôn, làng hay tổ dân phố để giáo dục, răn đe...