PC Đà Nẵng: Đạt yêu cầu dự án JCM giai đoạn 05 năm 2017-2021

Thứ hai, 17/1/2022 | 14:50 GMT+7
Trung tuần tháng 01/2022, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) đã hoàn thành buổi kiểm tra trực tuyến tình hình thực hiện dự án JCM (Joint Crediting Mechanism- Cơ chế hợp tác tín chỉ) với Công ty Yuko Keiso và Hiệp hội Quản lý Nhật Bản (JMA) - bên thứ 3 độc lập. 
  
Quang cảnh buổi kiểm tra trực tuyến tình hình thực hiện dự án JCM.
 
Kết quả đợt kiểm tra sẽ là cơ sở để cấp phát tín chỉ CO2 cho PC Đà Nẵng sau 05 năm thực hiện dự án giai đoạn 2017-2021. 
 
JCM là một cơ chế tín dụng liên kết giữa Nhật Bản và các nước khác, trong đó Việt Nam, nhằm mục đích giảm phát thải khí cacbon, bảo vệ môi trường. Một trong những dự án của JCM là việc triển khai đưa máy biến áp siêu giảm tổn thất Amorphous vào lưới truyền tải điện. Đây là loại máy biến áp được chế tạo bằng lõi thép đặc biệt, công nghệ cao, có hệ số tổn hao thấp, giúp máy biến áp giảm được đến 75% tổn thất. 
 
Khởi động và hoàn thành dự án thí điểm trong năm 2016; kể từ năm 2017, PC Đà Nẵng chính thức triển khai dự án JCM trong thời gian 18 năm đến hết năm 2034. Theo đó, Công ty đã lắp đặt, đưa vào vận hành 282 máy biến áp siêu giảm tổn thất Amorphous trên lưới điện thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh giảm tổn thất điện năng lưới điện, việc lắp đặt các máy biến áp sử dụng công nghệ lõi thép vô định hình còn góp phần làm giảm lượng phát thải CO2 ra môi trường, theo tính toán của đơn vị tư vấn dự án Yuko Keiso.
 
Tại cuộc họp, Hiệp hội Quản lý Nhật Bản (JMA)- bên thứ 3 độc lập tiến hành tham vấn để nhận định mức độ triển khai dự án của PC Đà Nẵng có đạt tiến độ và các thủ tục, quy trình theo đúng phương pháp luận dự án đã đề ra. Trả lời các câu hỏi tham vấn từ JMA, PC Đà Nẵng đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến việc lắp đặt 282 máy biến áp dự án JCM theo yêu cầu của đơn vị tư vấn Yuko Keiso đúng thời gian quy định. 
 
Trong năm 2021, tất cả các trường hợp thay đổi do hoán chuyển, đánh lại số cột, sửa chữa máy JCM đều được cập nhật chi tiết, đầy đủ dữ liệu theo cam kết đề ra. Việc mua sắm các máy biến áp thực hiện theo Tiêu chuẩn kỹ thuật máy biến áp phân phối tổn hao thấp áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định 107/QĐ-HĐTV ngày 21/9/2021 của EVN). Đồng thời, PC Đà Nẵng cũng trình bày cách thức quản lý các máy biến áp trong Công ty trên chương trình quản lý kỹ thuật PMIS và thông báo cho các đối tác Nhật Bản về những thay đổi về cơ cấu tổ chức thực hiện dự án JCM tại Công ty. 
 
Phía JMA cũng thực hiện kiểm tra hồ sơ và dữ liệu lắp đặt MBA JCM của PC Đà Nẵng bằng cách chọn ngẫu nhiên 20 trong tổng số 282 máy yêu cầu ảnh chụp thực tế hiện trường. Trên cơ sở đó, JMA sẽ đối chiếu dữ liệu báo cáo và thực tế ảnh chụp để xác nhận máy biến áp đang được vận hành trên lưới điện, vị trí lắp đặt đúng với các dữ liệu mà Yuko Keiso đã đệ trình. Kết thúc đợt kiểm tra, PC Đà Nẵng đã có 20/20 trường hợp đạt yêu cầu của JMA. Báo cáo đánh giá, xác minh dự án của JMA sẽ là cơ sở để Bộ môi trường Nhật Bản tiến hành cấp tín chỉ CO2 cho giai đoạn thực hiện đầu tiên của dự án, giai đoạn 2017-2021.
 
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Tuân, Phó giám đốc Công ty cho biết: “JCM là một dự án hay, đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc giảm tổn thất điện năng cho Công ty; đồng thời, mang lại nhiều lợi ích với môi trường. Sau khi hợp tác thực hiện dự án JCM, PC Đà Nẵng đã định hướng, đầu tư sử dụng các MBA tổn hao thấp cho các dự án của Công ty”. 
 
Ước tính, việc đầu tư các MBA tổn hao thấp góp phần giảm đến 1.570 tấn CO2/năm ra môi trường, đồng thời góp phần giúp PC Đà Nẵng hoàn thành thực hiện tổn thất điện năng giảm liên tục qua các năm kể từ năm 2018. Đến năm 2021, Công ty thực hiện 2,07%, là đơn vị có mức tổn thất thấp thứ hai trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Anh Phương