PC Đà Nẵng luôn chú trọng kết cấu hạ tầng, cung cấp điện đồng bộ, hiện đại.
Về lưới điện 110kV: ngành điện đã bám sát để triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành 16 hạng mục trên tổng số 53 hạng mục theo Quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 (tỷ lệ 30,2% tổng quy mô, khối lượng theo Quy hoạch).
Lần lượt các dự án trọng điểm xây dựng mới TBA 110kV Cảng Tiên Sa, TBA 110kV Chi Lăng, TBA 110kV Hòa Phong, Lắp máy biến áp thứ 2 các TBA 110kV Hòa Liên, Hòa Xuân, Nâng công suất TBA 110kV Cầu Đỏ, Liên Chiểu… được ngành điện nỗ lực vượt qua khó khăn về thủ tục, bố trí vốn để hoàn thành góp phần đảm bảo nguồn điện cung ứng trên toàn địa bàn thành phố. Đáng chú ý, các TBA 110kV Chi Lăng (vận hành, đóng điện năm 2022) và gần đây nhất là TBA 220kV Hải Châu là những trạm biến áp ứng dụng công nghệ GIS (được xem là công nghệ mới nhất trong thiết kế và xây dựng trạm biến áp được áp dụng cho các đô thị có không gian hạn chế) đầu tiên được đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng, cho thấy sự đầu tư về quy mô và công nghệ để đáp ứng nhu cầu điện cho thành phố.
Về lưới điện 22kV: hàng năm, PC Đà Nẵng bố trí vốn, tập trung phần lớn nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển mới lưới điện, đường dây và trạm biến áp 110kV, 22kV; cấp điện các khu công nghiệp, các tổ hợp thương mại, dịch vụ và du lịch, các dự án trọng điểm cải tạo di dời, phục vụ quy hoạch mở đường… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.
Các dự án khai thác đường dây 22kV đảm bảo tiêu chí dự phòng N-1, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hoàn thiện lưới chống quá tải lưới điện… đã góp phần làm cho dòng điện xuyên suốt, ổn định phục vụ người dân thành phố. Cùng với bộ khung là hạ tầng lưới điện, Trung tâm điều khiển hệ thống điện được ví như “trái tim” của lưới điện thành phố, cũng thường xuyên được khai thác, nâng cấp để đảm bảo công tác quản lý vận hành.
Đưa vào vận hành từ năm 2016 đến nay, Trung tâm điều khiển đã kết nối 12 TBA 110kV và 02 TBA 220kV không người trực theo giao thức IEC bằng đường truyền cáp quang. Hệ thống FLISR (Fault Location Isolation and Service Restoration - tự động phát hiện điểm sự cố, phân tích cô lập vùng sự cố và tái lập lại nguồn điện) hiện đang vận hành trên 84 xuất tuyến ở chế độ tự động hoàn toàn (trên tổng số 96 xuất tuyến đáp ứng vận hành tự động hóa), với khối lượng lớn các thiết bị phân đoạn phục vụ việc thao tác xa, giám sát và thu thập dữ liệu. Để tăng độ tin cậy và tính dự phòng cho Trung tâm điều khiển, Công ty đã nghiên cứu xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm điều khiển dự phòng nhằm ứng phó với các tình huống bất khả kháng có thể xảy ra, đảm bảo công tác giám sát, điều hành lưới điện được liên tục, an toàn.
Đồng bộ với quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, PC Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp để cải thiện hạ tầng lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, hướng đến phục vụ khách hàng sử dụng điện ngày một tốt hơn, từ đó tăng thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố. Khai thác dữ liệu từ hệ thống đo đếm được hiện đại hóa với 100% công tơ điện tử, Công ty đã xây dựng chương trình phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường giúp cảnh báo sớm các trường hợp rò rỉ điện, sản lượng tăng cao đột biến, qua đó đã hạn chế tai nạn điện giật do chạm chập điện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng kiến nghị hóa đơn tiền điện tăng cao, mang lại sự hài lòng của khách hàng dùng điện.
Trong năm 2023, PC Đà Nẵng đã hoàn thành 100% chuyển đổi hợp đồng sinh hoạt sang hình thức điện tử, giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng được tốt hơn. Cùng với đó, PC Đà Nẵng thực hiện đối soát, chuẩn hoá thông tin chủ thể hợp đồng mua bán điện với cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến với 2030. Tại trung tâm hành chính thành phố và phòng giao dịch của các Điện lực trực thuộc, PC Đà Nẵng triển khai quầy dịch vụ điện trực tuyến, đặt các máy tính cho phép khách hàng kết nối và sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành Điện, qua đó mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố, PC Đà Nẵng cũng nỗ lực bố trí một phần nguồn lực nhằm hoàn thành ngầm hóa lưới điện hiện hữu theo Kế hoạch 187/KH-UBND của thành phố, hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, hiện đại và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Nối tiếp những tuyến đường Điện Biên Phủ, Lê Duẩn “thay da đổi thịt” sau hạ ngầm lưới điện, PC Đà Nẵng tiếp tục triển khai các dự án ngầm hóa lưới điện hiện hữu các tuyến đường Lý Thái Tổ - Hùng Vương đồng bộ với Dự án cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên tuyến đường Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ của thành phố, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Và tiếp nối là công trình ngầm hóa lưới điện hiện hữu trên 04 tuyến đường lớn: Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Lê Lợi, Phan Châu Trinh dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2025-2026.
Nhằm nỗ lực góp phần vào nhịp điệu tăng trưởng năng động của thành phố, PC Đà Nẵng cũng xây dựng các kế hoạch, chính sách cho công nghệ mới, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong toàn Công ty; giữ vững những thành quả và phát triển theo hướng bền vững, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.