PC Đà Nẵng có 2 công trình đạt Giải thưởng VIFOTEC lần thứ 16

Thứ sáu, 13/5/2022 | 16:46 GMT+7
Tối ngày 11/5/2022, tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 16. 
 

Đại diện PC Đà Nẵng nhận giải thưởng VIFOTEC lần thứ 16.
 
PC Đà Nẵng có 2 công trình đạt giải Khuyến khích, đó là “Tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp từ đo xa” và “Giám sát tự động quá trình ghi chỉ số, phúc tra chỉ số trước khi phát hành hóa đơn tiền điện”, thuộc lĩnh vực Vật liệu - Hoá chất - Năng lượng.
 
Cụ thể, công trình “Tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp từ đo xa” đạt giải Khuyến khích của nhóm tác giả Huỳnh Thảo Nguyên, Lê Hồng Cương, Phan Quang Tú, Huỳnh Văn Tiến. Công trình nghiên cứu ứng dụng dữ liệu hệ thống đo xa (như chỉ số công tơ, biểu đồ phụ tải) và đưa ra thuật toán để xây dựng chương trình tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo các cấp điện áp tự động theo thời gian thực. Giải pháp giúp phân tích diễn biến tổn thất theo hằng giờ/hằng ngày tổn thất lưới 110 kV, tổn thất lưới trung áp, tổn thất lưới hạ áp; qua đó đề ra các giải pháp tổng thể về quản lý kỹ thuật vận hành, quản lý kinh doanh và đầu tư xây dựng. Đồng thời, giải pháp cũng hỗ trợ kiểm soát, phát hiện kịp thời các trường hợp tổn thất thương mại, tổn thất bất thường do sự cố hệ thống đo đếm, góp phần đảm bảo thực hiện tốt lộ trình giảm tổn thất điện năng. 
 
Được biết, phần mềm bằng Access tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp từ đo xa là phần mềm đầu tiên được nghiên cứu và xây dựng thành công trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dữ liệu biểu đồ phụ tải 30 phút được hệ thống đo xa thu thập lưu về máy chủ, nhóm tác giả sử dụng trong tính toán sản lượng điện hằng ngày của từng điểm đo TBA, xuất tuyến, qua đó có thể tính toán được tổn thất công suất cũng như tổn thất điện năng hằng ngày lưới 110 kV, lưới trung áp, lưới hạ áp. 
 
Đối với tổn thất điện năng hằng ngày lưới hạ áp, nhóm tác giả kết hợp dữ liệu đo xa, dữ liệu Hệ thống thông tin quản lý khách hàng CMIS và phương pháp thống kê để ước lượng thương phẩm của tất cả các khách hàng thuộc TBA công cộng trong trường hợp không đủ dữ liệu do bị offline, nhờ đó giảm được sai số kết quả tính toán.
 
Nhóm tác giả đã sớm triển khai việc tính toán tổn thất điện năng hằng ngày theo cấp điện áp từ năm 2015 (lưới 110 kV), năm 2019 (lưới trung áp) và năm 2020 (lưới hạ áp), đã được PC Đà Nẵng, Tổng công ty Điện lực miền Trung công nhận sáng kiến, ý tưởng. 
 
Công trình đã được triển khai áp dụng và đã hỗ trợ phát hiện kịp thời nhiều vụ sự cố đo đếm như: sự cố đo đếm do sét đánh tại trạm 220kV Hòa Khánh; sự cố TU C41 trạm 110kV Cầu Đỏ E12; sự cố biến dòng TI 431E14 tại trạm 110 kV An Đồn E14…, các sự cố này đều dẫn đến tổn thất tăng cao nếu như không được phát hiện kịp thời.
 
Công trình “Giám sát tự động quá trình ghi chỉ số, phúc tra chỉ số trước khi phát hành hóa đơn tiền điện” của nhóm tác giả Bùi Văn Minh, Trần Nguyễn Bảo An, Trần Hiền, Nguyễn Thảo Nguyên, Nguyễn Công Minh. Nhóm tác giả đã đưa ra được giải pháp cũng như xây dựng chức năng giám sát công tác ghi chỉ số và phúc tra chỉ số trước khi phát hành hóa đơn như ghi sớm/ghi trễ so với đo xa, lệch chỉ số treo tháo. Giải pháp mang tính toàn diện trong việc giám sát tình trạng công tơ online của các công tơ khách hàng, đồng thời phát hiện các trường hợp dữ liệu bất thường chỉ số so với dữ liệu đo xa giúp cảnh báo để cán bộ phụ trách thực hiện rà soát trước khi phát hành hóa đơn tới cho khách hàng.
 
Giải pháp được triển khai từ tháng 6/2019, giúp lãnh đạo đơn vị cấp điện lực và công ty dễ dàng theo dõi chặt chẽ công tác này từ khâu thu thập dữ liệu đo đếm RF-Spider, nhập chỉ số CMIS và phúc tra chỉ số trước khi phát hành hóa đơn. Các trường hợp công tơ sai lệch do hư hỏng, mất áp của công tơ được đơn vị khắc phục nhanh khi có cảnh báo từ hệ thống. 
 
Theo thống kê số liệu về tình hình ghi chỉ số sai lệch trong năm 2019 và 2021 lần lượt là 643 và 9 trường hợp. Như vậy, số lượng các trường hợp sai lệch chỉ số năm 2021 đã giảm hơn 98,6% về số trường hợp sai lệch so với năm 2019, góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu phát hành hóa đơn sai, tổn thất điện năng tăng/giảm không chính xác, hạn chế các kiến nghị của khách hàng về chỉ số và hóa đơn tiền điện do sai sót.
 
Sau hai năm triển khai, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021) đã nhận được 539 giải pháp từ 54 tỉnh, thành phố, bộ ngành trên phạm vi toàn quốc sơ tuyển. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông có 74 giải pháp; lĩnh vực cơ khí  tự động hoá, xây dựng, giao thông vận tải có 115 giải pháp; lĩnh vực vật liệu, hoá chất, năng lượng có 55 giải pháp; lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và môi trường có 98 giải pháp; lĩnh vực y dược có 86 giải pháp; lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 111 giải pháp. Ban tổ chức đã chọn được 84 giải pháp để trao giải gồm: 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 23 giải Ba, 45 giải Khuyến khích.
 
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc được tổ chức định kỳ 2 năm/lần trên toàn quốc nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Yên Bình