Chuyển đổi số trong EVN

PC Đà Nẵng triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số

Thứ ba, 15/6/2021 | 15:06 GMT+7
Thời gian qua, PC Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình hành động, giải pháp nhằm cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số doanh nghiệp.
 

Ảnh minh họa.
 
Năm 2021 được EVN chọn là năm thực hiện chủ đề chuyển đổi số; EVNCPC cũng xem đây là năm có tính bản lề quyết định trong việc thực hiện thành công chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022, tiến đến doanh nghiệp số vào năm 2025. Việc chuyển đổi số không nằm ngoài mục tiêu ứng dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất kinh doanh, qua đó tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng.
 
PC Đà Nẵng đã đề ra những nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2022 cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số. Ngày 12/5/2021, Công ty đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng giai đoạn 2021-2022, tính đến năm 2025. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở đồng bộ với các nhiệm vụ và tiến độ chuyển đổi số của EVN và EVNCPC, cũng như đặt ra thêm 12 nhiệm vụ mà PC Đà Nẵng cần thực hiện trong quá trình chuyển đổi số giai đoạn này.
 
PC Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cùng với 7 Tổ công tác để tham gia triển khai và kịp thời theo dõi các nhiệm vụ do EVNCPC giao; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ riêng của Công ty đề ra. Cùng với đó, PC Đà Nẵng xây dựng quy định làm việc và phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, hàng tháng tổng hợp kết quả và vướng mắc báo cáo tại các cuộc họp giao ban để kịp thời theo dõi, giải quyết các khó khăn, tồn tại. Ban chỉ đạo cũng tổ chức họp định kỳ mỗi 6 tháng hoặc đột xuất nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
 
Nhằm thuận tiện cho công tác theo dõi kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, Công ty đã xây dựng trang Portal Chuyển đổi số để các tổ công tác cập nhật kết quả, báo cáo tiến độ thực hiện theo từng tháng cũng như bổ sung thêm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Thông qua giao diện trực quan, Ban chỉ đạo có thể dễ dàng theo dõi, điều hành các nhiệm vụ chuyển đổi số.
 
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, PC Đà Nẵng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện. Trước hết là tăng cường nhận thức của CBCNV về chuyển đổi số, tạo ra văn hóa số với sự đồng thuận từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, tăng sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng ban trong công việc, cùng với việc nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn. 
 
Song song với đó, Ban chỉ đạo chuyển đổi số thực hiện rà soát quy trình nội bộ Công ty trong các công tác như kinh doanh và dịch vụ khách hàng, công tác tiền lương, mua sắm vật tư thiết bị... đảm bảo đáp ứng hoạt động và luân chuyển trên môi trường số, từ đó nghiên cứu số hóa và áp dụng công nghệ nhằm liên kết và tự động hóa các quy trình.
 
Một nhiệm vụ trọng tâm khác là chú trọng việc thu thập chính xác và cập nhật kịp thời dữ liệu các chương trình dùng chung; đẩy mạnh việc nhập dữ liệu và số hóa hồ sơ kỹ thuật lên PMIS. PC Đà Nẵng cũng đặt ra mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), xây dựng kho dữ liệu dùng chung phục vụ công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. 
 
Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ duy trì vận hành ổn định hệ thống công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin, đây là nhiệm vụ cốt lõi và xuyên suốt trong quá trình triển khai chuyển đổi số. 
 
Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa PC Đà Nẵng trở thành doanh nghiệp số theo lộ trình của EVN, EVNCPC, chuyển đổi số thực sự là động lực, cơ hội để thay đổi, nâng cao vị thế của đơn vị trong ngành điện cũng như trên địa bàn thành phố; do đó, Công ty đã đề ra một số giải pháp cụ thể để thực hiện.
 
Đầu tiên, công tác chuyển đổi số cần mang tính chủ động, nhanh nhưng đúng hướng, đồng bộ với kế hoạch của EVN và EVNCPC, bám sát các tiêu chí đánh giá nhiệm vụ chuyển đổi số nhằm thực hiện đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu. Quá trình thực hiện cân đối giữa nhu cầu và khả năng thực hiện, phù hợp với các điều kiện về tổ chức, kỹ thuật và nguồn lực; ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khả thi, tác động cao, đòi hỏi nguồn lực hợp lý, thời gian thực hiện ngắn.
 
Kế đến, PC Đà Nẵng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số thông qua việc tuyên truyền, các buổi đào tạo chuyên đề, khuyến khích sử dụng công nghệ số; nghiên cứu ứng dụng hiệu quả các công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác về công nghệ số có tiềm năng áp dụng, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị trong EVN và bên ngoài về chuyển đổi số, doanh nghiệp số.
 
Cuối cùng, PC Đà Nẵng tăng cường gắn kết, phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị, tối ưu kỹ năng xử lý công việc. CBCNV làm công tác nghiệp vụ (quản lý kỹ thuật, kinh doanh, đầu tư xây dựng...) phải có đủ kỹ năng tổng hợp dữ liệu và thực hiện phân tích dữ liệu, ứng dụng BI (Business Intelligence) để nhanh chóng tạo các báo cáo, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
 
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ tại EVN, EVNCPC nói chung và PC Đà Nẵng nói riêng đã góp phần số hóa và tự động hóa, tăng tính chính xác, minh bạch, cải thiện năng suất lao động và trải nghiệm của khách hàng. Với những giải pháp đã triển khai một cách cụ thể và thiết thực, PC Đà Nẵng kỳ vọng sẽ hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số theo đúng kế hoạch đề ra, cơ bản đưa Công ty trở thành doanh nghiệp số, thực sự tạo ra những chuyển biến, đổi mới sáng tạo, mang lại dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng sử dụng điện.
Yên Bình