PC Hưng Yên tăng cường thí nghiệm định kỳ và sửa chữa thiết bị bằng phương pháp CBM nâng cao hiệu quả cung cấp điện

Thứ sáu, 13/12/2024 | 10:50 GMT+7
Thời gian qua, cùng với việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, Công ty Điện lực Hưng Yên đã tập trung triển khai phương pháp bảo trì, bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị trên lưới điện (CBM), kịp thời phát hiện những bất thường của thiết bị điện đang vận hành và chủ động đưa ra kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, ngăn ngừa sự cố xảy ra.

Nhân viên thực hiện thí nghiệm định kỳ tại Trạm biến áp 110kV Minh Hải.

Hiện nay, Công ty Điện lực Hưng Yên đang quản lý vận hành 147 đường dây trung áp 22, 35 kV, trong đó có 15 đường dây trung áp cấp riêng cho khách hàng công nghiệp lớn với tổng công suất sử dụng lớn nhất 150 MW, và 132 đường dây trung áp còn lại đang cấp điện tới các phụ tải quản lý tiêu dùng (sinh hoạt) xen kẽ với phụ tải công nghiệp, đã được kết nối mạch vòng trung áp với nhau. Công ty đang quản lý 4.540 trạm biến áp trên tổng số 5.007 máy biến áp với tổng công suất là 3.284.311 kVA. Về lưới điện hạ áp, Công ty cũng đang quản lý 7.022,46 km đường dây hạ áp để cung cấp điện phục vụ nhân dân toàn tỉnh bảo đảm cung ứng điện cho hơn 477.203 khách hàng sử dụng điện.

Nhằm phát hiện các tồn tại, khiếm khuyết có thể xảy ra trong quá trình vận hành và có biện pháp sửa chữa hoặc thay thế kịp thời, bảo đảm cho hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, hàng năm, Công ty Điện lực Hưng Yên tích cực triển khai thực hiện thí nghiệm định kỳ (TNĐK) và sửa chữa thiết bị bằng phương pháp CBM. Phương pháp CBM là phương pháp áp dụng tiến bộ khoa học trong công tác quản lý vận hành, kiểm tra, đánh giá thiết bị và lưới điện, từ đó lập kế hoạch sửa chữa bảo trì, giảm thời gian mất điện đột xuất, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. 

Việc thí nghiệm định kỳ và sửa chữa thiết bị bằng phương pháp CBM nhằm phát hiện sớm các khiếm khuyết để xử lý kịp thời như: Tình trạng máy biến áp (MBA) lệch điện trở 1 chiều, tình trạng tiếp xúc các cực MBA, phóng điện tại các tủ trung thế, đầu cáp ngầm... có nguy cơ gây sự cố đến lưới điện. So với sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị bằng phương pháp truyền thống, bảo trì theo điều kiện CBM mang lại nhiều ưu điểm như: Giảm tình trạng hư hại thiết bị, giảm chi phí sửa chữa và chi phí nhân công, giảm chỉ số SAIDI; tăng hiệu quả cho việc thực hiện sản xuất, kinh doanh được giao; giúp rà soát toàn bộ hệ thống và tất cả các tài sản, thiết bị; thay việc bảo trì định kỳ cứng nhắc bằng việc bảo trì linh hoạt, chủ động hơn… Trong quá trình thực hiện, công nhân điện lực được trang bị đầy đủ các thiết bị như: Thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ online, camera nhiệt, đồng hồ đo điện trở cách điện Mega-Ohm meter, máy tăng áp xoay chiều, máy tăng áp một chiều, hợp bộ tạo dòng nhất thứ, hợp bộ tạo dòng nhị thứ và nhiều thiết bị thí nghiệm khác… Qua đó, giúp cho việc thí nghiệm định kỳ các thiết bị đang vận hành trên lưới điện được bảo đảm an toàn. 

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc về việc triển khai kế hoạch thí nghiệm định kỳ, ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Hưng Yên phối hợp với Xí nghiệp dịch vụ điện lực Hưng Yên tiến hành lập kế hoạch và triển khai công tác thí nghiệm định kỳ và sửa chữa thiết bị bằng phương pháp CBM. Lũy kế đến 30/11, Công ty đã TNĐK và CBM được 06/06 TBA 110kV, hoàn thành kế hoạch TNĐK + CBM năm 2024. Trong quá trình TNĐK và CBM, đã phát hiện 24 khiếm khuyết, xử lý được 01/24 khiếm khuyết, còn 23 khiếm khuyết (vẫn đảm bảo vận hành) đã có kế hoạch xử lý trong tháng 12 năm 2024 và đầu năm 2025. Đối với đường dây, công ty đã phát hiện 08 khiếm khuyết và có kế hoạch xử lý vào trong tháng 12 năm 2024. Tháng 11, Công ty đã TNĐK, CBM tại TBA 110kV Lý Thường Kiệt 2 (trước bảo hành) và TBA 110kV Minh Hải. Công ty phát hiện bộ F90 tại tủ điều khiển máy biến áp T1 và bộ MU12 tại Tủ MK112 TBA Lý Thường Kiệt 2 bị treo, Công ty đã yêu cầu thực hiện bảo hành thiết bị này.
 

Nhân viên Điện lực Văn Giang kiểm tra lưới điện.

Đối với lưới điện trung áp, lũy kế đến 30/11, Công ty đã thí nghiệm CBM cấp độ 2 và cấp độ 3 với 3.872/3.872 thiết bị trung áp, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch năm. Trong quá trình thực hiện đã phát hiện và xử lý được 28/28 khiếm khuyết. Ngay từ tháng 11/2024, các đơn vị đã rà soát, lập kế hoạch và đăng ký kế hoạch TNĐK, CBM năm 2025 và bắt đầu từ tháng 12/2024 sẽ thực hiện TNĐK, CBM theo kế hoạch năm 2025.

Kết thúc chương trình thí nghiệm, các thiết bị đã được đóng điện lại an toàn và ổn định. Bằng việc ứng dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng CBM chuyên sâu vào công tác thí nghiệm đã kịp thời đánh giá được tình trạng thiết bị vận hành lâu năm cần phải được đưa ra khỏi vận hành để sửa chữa bảo dưỡng, góp phần giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giúp phát hiện, dự đoán trước tình trạng bất thường của thiết bị cũng như tối ưu hóa việc sử dụng vốn.

Cùng với việc thí nghiệm định kỳ và xử lý các MBA, điện lực đã thực hiện kiểm tra tổng thể tình trạng kỹ thuật của các TBA để phát hiện và xử lý kịp thời những khiếm khuyết đối với các TBA. Việc thí nghiệm định kỳ các MBA và kiểm tra tổng thể TBA nhằm phát hiện tình trạng kỹ thuật bên trong của MBA đang vận hành. Để hoạt động thí nghiệm đạt hiệu quả, đơn vị đã trang bị cầu đo điện tử để phát hiện chính xác về lỗi sự cố các MBA và TBA, góp phần nâng cao hiệu quả thí nghiệm.  

Ông Ngô Thế Tuyển- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên cho biết: Hàng năm, các đơn vị trực thuộc công ty phối hợp chặt chẽ với phòng kỹ thuật Công ty xây dựng kế hoạch, tiến hành tư vấn, ký hợp đồng thí nghiệm định kỳ và sửa chữa thiết bị theo phương pháp chuyên sâu CBM góp phần ngăn ngừa các sự cố, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục với độ tin cậy cao nhất. Cùng với đó, Điện lực và xí nghiệp cao thế đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát chất lượng thiết bị trước khi đưa vào lưới điện. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc khảo sát, tư vấn, ký hợp đồng thí nghiệm định kỳ và bảo dưỡng thiết bị điện cho khách hàng...

Huế Vũ