Phòng điều độ PC Vĩnh Phúc.
Ứng dụng công nghệ đo xa
Hiện PC Vĩnh Phúc đang quản lý bán điện cho 207.328 khách hàng trong đó 19.351 khách hàng ngoài sinh hoạt và 187.977 khách hàng sinh hoạt. Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, Công ty đã đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thành công lộ trình phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh, được lãnh đạo ngành, tỉnh và khách hàng ghi nhận đánh giá cao.
Ông Nguyễn Quốc Hưng – Giám đốc PC Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2013 đến nay, theo định hướng của EVN, Công ty đã tiến hành thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử tại khu vực thành phố, thị xã. Đến nay đã có hơn 61 nghìn công tơ cơ tại 273 TBA công cộng thuộc thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên được thay thế bằng công tơ điện tử RF và thực hiện ghi chỉ số qua hệ thống đo xa tự động AMR.
Trước đó, năm 2016, Công ty nghiệm thu đưa vào vận hành chính thức hệ thống đo xa tại 750 điểm đo của các khách hàng có TBA chuyên dùng, bán điện theo 3 giá, được ghi chỉ số tự động bằng công nghệ GPRS/3G. Đến tháng 7/2017, Công ty tiếp tục hoàn thành thay thế, lắp đặt mới 1.243 công tơ điện tử 3 giá có chức năng đo xa bằng công nghệ GPGS/3G cho các TBA công cộng và chuyên dùng bán điện 1 giá trên địa bàn.
Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2017, PC Vĩnh Phúc đã phát triển thêm được 6.657 công tơ 1 pha điện tử, 2.076 công tơ 3 pha điện tử. Ngoài ra đối với đo xa TBA đầu cực, Công ty cũng đã thực hiện phát triển đo xa cho 700 điểm đo đầu cực bán điện và 715 điểm đo đầu cực TBA công cộng, nâng tổng số các điểm đo xa đầu cực TBA là 2.034 điểm đo, trong đó có 1.319 điểm đo bán điện đạt tử lệ 100% đo xa và 715 điểm đo đầu cực TBA cộng cộng đạt tử lệ 71,6% đo xa.
Bên cạnh đó, đối với đo xa sau cộng cộng, tại các khu vực sau TBA của TP Vĩnh Yên, TX. Phúc Yên và thị trấn Tam Đảo, Công ty vẫn tiếp tục duy trì với 6.600 công tơ đo xa tự động và tiếp tục lắp đặt được 5.000 công tơ 1 pha điện tử RF tại Điện lực Vĩnh Tường, thực hiện ghi chỉ số bán tự động bằng HHU cầm tay trong năm 2017.
Nhằm hưởng ứng “Năm Khoa học Công nghệ” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, năm 2017 PC Vĩnh Phúc đã triển khai thành công 3 chương trình phần mềm dùng chung của Tập đoàn là ERP, Eoffice3 và đổi giá trong CMIS2.0; Tổ chức vận hành các chương trình CMIS, FMIS, MMIS, OMS, GIS, PMIS, QLĐT, NPC US, Wed, E-Office3.0, PCVP US hoạt động ổn định đảm bảo hoạt động SXKD. Ngoài ra hệ thống mạng máy tính của các đơn vị đã nâng cấp thành VLAN đảm bảo an toàn bảo mật hệ thống mạng của công ty …
Hiệu quả từ các dự án đầu tư
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hưng, việc ứng dụng công tơ điện tử vào đo đếm điện năng đã làm lợi cho cả bên mua và bên bán điện. Với công nghệ hiện đại, công tơ điện tử RF và hệ thống đo xa tự động AMR của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng sử dụng điện. Cụ thể, khách hàng có thể biết được sản lượng điện thực tế đang sử dụng; dễ phát hiện tình trạng rò điện tại các thiết bị cũ, chất lượng cách điện bị suy giảm, qua đó có thể ngăn ngừa hiệu quả tai nạn điện trong gia đình; rất thuận tiện khi theo dõi, giám sát chỉ số tiêu thụ điện năng, đảm bảo chính xác và minh bạch, công khai.
Công nhân Điện lực Vĩnh Tường thường xuyên kiểm tra trạm biến áp đảm bảo cung cấp điện ổn định.
Thêm vào đó, sử dụng công tơ điện tử RE và hệ thống đo xa tự động AMR dễ dàng giám sát được chỉ số điện năng, hoàn toàn đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Đối với PC Vĩnh Phúc, công điện tử RE và hệ thống đo xa tự động AMR giúp đảm bảo an toàn cho người lao động, thu thập được dữ liệu sử dụng điện của từng khách hàng, từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp, hiệu quả trong cung cấp điện, tránh được sai sót trong việc ghi và nhập chỉ số.
Năm 2018, chủ đề mà EVN đưa ra đó là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” để đáp ứng sự phát triển của ngành trong thời đại công nghệp 4.0 Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp trong công tác tuyển dụng, đào tạo lao động, bố trí sắp xếp lại lực lượng lao động. Xây dựng và thực hiện hệ thống đánh giá hiệu quả công việc KPI nhằm tạo động lực thu hút kiến thức, tâm huyết của CBCNV cho sự phát triển bền vững của Công ty.
Việc đưa công nghệ vào quản lý, vận hành, kinh doanh đã giúp PC Vĩnh Phúc từng bước nâng cao năng suất lao động, chất lượng cung cấp điện năng. Nhờ đó năm 2017, tổng sản lượng điện thương phẩm của Công ty đạt 2.400,3 triệu kWh, tăng 18,9% so với năm 2016, doanh thu bán điện của Công ty đã đạt 3.724,25 tỷ đồng tăng 19,15% so với năm 2016, tổn thất điện năng giảm từ 4,51 % (2016) xuống còn 3,60%.