Đây là công cụ hữu hiệu để dự báo phụ tải, nghiên cứu phụ tải, đối soát sản lượng điện tiêu thụ phục vụ thị trường điện.
Tính đến hết năm 2020, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã lắp đặt được 147.417 công tơ điện tử trên lưới, chiếm tỷ lệ 64.8% số lượng công tơ. Năm 2021, dự kiến Công ty Điện lực Vĩnh Phúc sẽ thay thế toàn bộ số lượng công tơ cơ khí còn lại, phấn đấu hoàn thành đưa 100% công tơ điện tử trên lưới.
Ưu điểm của công tơ điện tử có độ chính xác cao hơn so với công tơ thường, công suất tiêu thụ điện thấp dẫn đến tiết kiệm điện năng, đồng thời tích hợp các công nghệ truyền thông hỗ trợ việc đọc chỉ số công tơ tự động từ xa.
Bên cạnh việc tự động đo đếm thu thập từ xa giúp kịp thời phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, công tơ điện tử còn giúp giám sát và giảm tổn thất điện năng, giám sát chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của TBA và đường dây giúp nâng cao độ an toàn lưới điện. Qua đó, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận điện năng và bất thường của hệ thống đo đếm.
Áp dụng công tơ điện tử còn cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng, cung cấp đầy đủ công cụ để khách hàng tự kiểm tra và điều chỉnh việc sử dụng điện nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, việc thực hiện áp dụng công tơ điện tử đo đếm thu thập từ xa cũng giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số và quản lý công tơ, đồng thời việc ghi chỉ số được chính xác, góp phần tăng năng suất lao động.
Theo: Tạp chí Công Thương