Phóng sự ảnh

PS ảnh: Công nhân điện lực làm việc dưới trời nắng gần 40 độ

Thứ sáu, 22/6/2018 | 13:31 GMT+7
Những người làm điện lực thường xuyên phải "phơi mặt" ngoài trời, kể cả khi thời tiết đang ở giai đoạn nắng nóng cao điểm.
 

 
Hà Nội đang bước vào đợt cao điểm nóng mới. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ dự báo kéo dài đến ngày 22/6, nền nhiệt ở trung du và đồng bằng phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ C. Khu vực Hà Nội nhiệt độ cao nhất cả đợt khoảng 35-38.
 
Trên thực tế, những người làm việc ngoài trời nắng vào thời điểm ban trưa sẽ cảm nhận cái nóng gay gắt hơn nhiều. Nhiệt kế đo được ngoài mặt đường lúc 12h có thể cao hơn 40 độ.
 
Trong số những nghề thường xuyên phải túc trực ngoài trời nóng, phải kể đến công nhân điện lực. Hình ảnh thường gặp trong những ngày này là các nhóm công nhân giữa ban trưa vẫn đi leo cột điện, kéo dây…
 
Trong ảnh, nhóm công nhân của Công ty Điện lực Long Biên, trực thuộc EVN HANOI đang đi kéo dây tăng cường truyền tải tại một tổ dân phố thuộc địa bàn phường Việt Hưng vào ngày 18/6/2018. Đây là một trong số các công việc hàng ngày các anh phải làm trong những ngày trời nắng gắt.
 
"Chúng tôi đang tăng cường đường trục hạ thế để cấp điện cho khu vực. Thông thường, khi đi kiểm tra, đo công suất, nếu phát hiện đường trục điện nào sắp đầy tải, chúng tôi phải lên phương án kéo tăng cường đường trục", anh Nguyễn Tất Lê Dũng, sinh năm 1980, một trong những thành viên làm việc lâu năm tại Công ty Điện lực Long Biên cho biết.
 
Cao điểm nóng, khối lượng công việc của người thợ điện có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với bình thường. Anh Từ Đức Thụ, sinh năm 1983 cho hay vào cao điểm hè, có thời điểm công nhân điện lực chỉ được ngủ nghỉ 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. "Các năm trước, có những hôm cao điểm nóng kéo dài 4 ngày thì chúng tôi đều phải trực cả 4 ngày để đảm bảo an toàn", anh kể.
 
Trong những ngày nắng nóng kéo dài như hiện nay, cao điểm sử dụng điện tại các khu vực dân cư là 22h30 đến 23h30 đêm. Công suất có thể cao hơn 30% so với thời điểm thông thường. 
 
Khi đó, một công việc không thể thiếu của các công nhận điện lực là đi đo dòng điện hàng đêm để phát hiện bất thường.
 
"Đường dây gồm 4 dây, 3 pha lửa một pha nguội. Về mặt nguyên tắc 3 pha lửa phải cân bằng nhau, chênh lệch không quá 15%. Khi đi đo công suất, nếu công nhân điện lực phát hiện thấy chênh lệch thì phải cân đảo pha, tránh gây thất thoát điện, thậm chí sự cố nếu chênh lệch quá lớn", anh Đoàn Hồng Phương, Đội phó đội quản lý điện lực Phường Việt Hưng giải thích.
 
Mùa nóng, lịch làm việc thường ngày của công nhân điện lực chuyển sang khung giờ 5h30 đến 10h30 sáng ở ngoài trời, sau đó chuyển sang làm những công việc nhẹ nhàng hơn ở trong nhà, bóng râm. Tuy nhiên, mỗi khi có dấu hiệu bất thường ở đường dây hoặc đi kiểm tra. , công nhân điện lực vẫn phải lao ra đường bất kể mưa nắng. Riêng Việt  Hưng, Long Biên đã có tới 80 trạm biến áp. Mỗi ngày đội công nhân phải chia nhau đi đo công suất ở lần lượt tất cả các trạm.
 
Công nhân ngành điện đối mặt với nhiều rủi ro như điện giật, ngã từ trên cao xuống, hay làm việc ngoài trời bất kể thời tiết mưa hay nắng. "Càng nắng gắt, bão tố thì công nhân điện lực càng phải lao ra đường vì đó là những thời điểm hay xảy ra sự cố nhất", đại diện EVN HANOI cho biết.
 
Tuy vậy, các công nhân điện lực cho biết họ vẫn gắn bó với nghề bởi dù vất vả, đây là nghề nghiệp mang lại niềm vui cho mọi nhà. 
 
Ngoài công việc ngoài trời, công nhân điện lực còn làm nhiều việc khác như khảo sát cấp điện mới, khảo sát định kỳ cũng như đột xuất các trạm biến áp trên địa bàn, tổ chức ghi chỉ số, thu tiền điện tại tổ, phát triển khách hàng thu tiền điện qua tài khoản ngân hàng.
 
Tại Công ty Điện lực Long Biên, đa phần là các công nhân đã gắn bó lâu năm như anh Phạm Xuân Hưng đã có 14 năm tuổi nghề, Nguyễn Tất Lê Dũng đã gắn bó 17 năm.
Theo: VnExpress