Một trong những trang trại khai thác gió của JRE tại Sakata. Bộ trưởng công nghiệp Nhật Bản nói giá thành quá cao là lý do chính khiến quốc gia này khó lòng mở rộng các dự án năng lượng tái tạo.
Trở ngại
Với góc nhìn khách quan hơn, Nhật Bản đang đối mặt với rất nhiều chướng ngại trong việc theo đuổi chính sách năng lượng sạch và bền vững, đặc biệt là với điều kiện thiên nhiên và phần lớn địa hình là đồi núi, dân cư rải rác thành các cụm nhỏ tại các khu vực đồng bằng ven biển hẹp trải dài.
Shogo Tanaka, Giám đốc Chiến lược năng lượng tại METI, chia sẻ với Nikkei Asian Review rằng các yếu tố trên khiến việc áp dụng và sản xuất nguồn năng lượng tái tạo tại Nhật Bản trở nên đắt đỏ và hao tổn rất nhiều chi phí hơn.
Chẳng hạn như năng lượng mặt trời, giá thành sản xuất tại Nhật Bản cao hơn gấp đôi đối với mỗi kilowatt mỗi giờ so với ở Châu Âu bởi những giới hạn về diện tích đất phù hợp, chi phí xây dựng đắt đỏ.
Thêm vào đó, mạng lưới điện tại Nhật Bản cũng không thực sự phát triển. Nguồn cung năng lượng tại đây được chia thành 10 khu vực dịch vụ chính, mỗi khu đều có một mạng lưới truyền tải riêng khiến khả năng cung cấp chịu những giới hạn cụ thể, ví dụ như khả năng giới hạn trong việc truyền tải năng lượng mặt trời từ phía Nam xuống phía Bắc đất nước.
Hiện quốc gia Đông Á này đã có kế hoạch xây dựng tích hợp kết nối giữa các mạng lưới truyền tải của các khu vực. Thế nhưng, chướng ngại ngăn cản các kế hoạch này là chi phí khổng lồ lên đến 100 tỷ yên (khoảng 885 triệu USD) cho việc xây dựng một mạng lưới kết nối, và mất từ 5 đến 10 năm để hoàn tất.
Ngoài ra, năng lượng gió phổ biến thường gặp ở các quốc gia Châu Âu cũng rất giới hạn tại Nhật Bản, chỉ chiếm 1,7% tổng nguồn cung năng lượng tái tạo dự định của quốc gia này.
Chính phủ Nhật Bản nhận định các khu vực có thể khai thác nguồn năng lượng gió thường ở rất xa khu vực dân cư cần sử dụng năng lượng, đồng thời chi phí là quá lớn nhất khi các tua bin gió phải được xây dựng dọc bờ biển để đón gió. Thêm vào đó, sự phản đối từ các công ty khai thác hải sản cũng là một trong những vấn đề chính.
Với tầm nhìn và lối đi cho nguồn năng lượng sạch chưa rõ ràng, nhiều công ty năng lượng của Nhật Bản quyết định vẫn sử dụng than đá với những chính sách mới hướng đến việc cắt giảm nguồn khí thải từ nhiên liệu này.
Công ty điều hành các nhà máy nhiệt điện than đá Electric Power Deployment, còn được biết với tên gọi J-Power, đã đầu tư vào công nghệ thu giữ và lưu trữ khí carbon. Công nghệ này cho phép thu lại và lưu trữ khí CO2 qua đó giảm bớt lượng khí thải vào khí quyển.
Theo một đánh giá năm 2014 bởi cục Môi trường Nhật Bản, quốc gia này tốn 10.500 yên (khoảng 93 USD) để thu và xử lý một tấn khí thải nhà xanh. Chi phí này khi đặt lên bàn cân so sánh thì rẻ hơn rất nhiều so với việc cắt giảm khí thải khi bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
J-Power cũng có kế hoạch xây dựng thêm ba nhà máy nhiệt điện than đá mới, một trong số đó sẽ thay thế một nhà máy cũ. Trong năm nay công ty này cũng đã thành lập một liên doanh với công ty Sumimota Forestry để sản xuất kinh doanh mùn cưa gỗ, nhằm cung cấp một nguồn nhiên liệu sinh học mới, kết hợp với than đá để vận hành các nhà máy nhiệt điện dưới quyền điều hành của J-Power.
“Đây là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng để đảm bảo Nhật Bản luôn có nguồn cung nhiên liệu ổn định”, một quan chức của tập đoàn J-Power chia sẻ.
Các chuyên gia như Hiroshi Segawa, một giáo sự năng lượng và môi trường tại Đại Học Tokyo không đánh giá cao những động thái trên.
Ông cho biết, “Nhật Bản thực sự thiếu độ ổn định trong chiến lược hoạch định năng lượng quốc gia để lên kế hoạch lâu dài trong việc sử dụng năng lượng hỗn hợp. Do đó, Nhật Bản có thể sẽ ngày càng lún sâu trong việc phụ thuộc vào than đá và đi ngược lại xu hướng toàn cầu.”
Segawa tin rằng, việc Nhật Bản bị kiềm hãm trong việc tiến tới sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. “Chính phủ nên tiến hành tạo điều kiện cho các tập đoàn công nghiệp nặng có thể khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân”.
Các quan chức tại tổ chức Năng Lượng Tái Tạo Nhật Bản (JRE), đơn vị quản lý năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời và sinh học được tài trợ bởi tập đoàn Goldman Sachs cũng ủng họ ý kiến của Segawa.
JRE cũng gặp nhiều giới hạn trong việc truy cập mạng lưới truyền tải qua đó khiến khả năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo mới cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
“Các công ty năng lượng lớn vẫn thâu tóm mạng lưới để chuẩn bị cho tái hoạt động các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai”, ông Koki Yoshino, quan chức cấp cao của JRE, cho biết. Ông nhấn mạnh yếu tố này đã khiến các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió của JRE bị trì hoãn.
Nghiên cứu từ giáo sư Yoh Yasuda của Đại Học Kyoto cho thấy, chỉ 19,4% khả năng tải của mạng lưới truyền tải đang được sử dụng trên cả nước, phần còn lại hoàn toàn chưa sử dụng đến.
“Chúng tôi thực sự mong chờ các chính sách cho phép tận dụng mạng lưới để mở cửa cho nền công nghiệp năng lượng tái tạo tại Nhật Bản”, ông Yoshino nói.
Cắt giảm nội địa và xây dựng mới
Trong khi Chính phủ vẫn dựa vào than đá, một vài công ty Nhật Bản gồm Konica Minolta, Mitsubishi Electric và Sony đang ra sức cắt giảm khí thải.
Thêm vào đó, các công ty năng lượng Nhật Bản cũng đã có những động thái mới nhằm giảm lệ thuộc vào nguồn năng lượng rắn này.
Chủ tịch Tomoaki Kobayakawa của Tokyo Electric Power Co. Holdings, đơn vị sở hữu nhà máy hạt nhân bị thiệt hại trong sóng thần Fukushima, chia sẻ trong năm nay tập đoàn này sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh doanh lâu dài cho mảng năng lượng tái tạo này, đến mức tương đồng với công ty nhiệt điện thành viên JERA.
Tepco cũng đã tiến hành nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó gồm cả dự án xây dựng một trang trại khai thác gió mới tại tỉnh Chiba, phía đông Tokyo. Dự án này đã tiến hành những bước khảo sát vị trí ban đầu để xác định tính khả thi.
Cột khói từ nhà máy nhiệt điện Kobe Steel sừng sững tại khu dân cư ở quận Hyogo, tỉnh Kobe.
Vẫn còn nhiều công ty Nhật Bản đầu tư năng lượng than đá ở nước ngoài
Vẫn còn nhiều công ty Nhật Bản theo đuổi và đầu tư năng lượng than đá tại ngoại quốc, nhất là tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á.
Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA) dự đoán nguồn năng lượng từ than đá sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2021 tại Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, bởi nguồn đầu tư dồi dào lên đến hàng tỷ USD, cũng như hỗ trợ kỹ thuật từ Nhật Bản và Trung Quốc.
J-Power cũng là một trong những nhà đầu tư chính với việc liên doanh xây dựng nhà máy nhiệt điện với công suất 2 gigawatts tại Indonesia với Adaro Energy.
Tại Kobe, cư dân đang tập trung nguồn lực đấu tranh chống lại việc vận hành nhà máy nhiệt điện. Một số đã đề trình đơn kiện lần hai, và lần này họ hướng đến chính phủ Nhật Bản vì đã bật đèn xanh cho Kobe Steel xây dựng nhà máy, kể cả khi có những đánh giá tác hại, cũng như chính phủ đã có những hành động “thiếu trách nhiệm với môi trường.” Quá trình xử lý tranh tụng của vụ kiện đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng 12.
Như các cư dân khác, bà Kondo cho biết bà sẽ không nhượng bộ, bà chia sẻ: “Cho đến chừng nào sự bất công này còn tồn tại, tôi vẫn sẽ theo đuổi đến cùng để ngăn chặn nó”.