Trung tâm sản xuất năng lượng từ rác thải hữu cơ và nông nghiệp ở Saint-Antoine-de-Breuilh, Tây Nam nước Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo Le Figaro cho biết để thực hiện kế hoạch tiết kiệm năng lượng trước nguy cơ châu Âu bị cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt vào mùa Thu, Chính phủ Pháp đã thành lập nhiều nhóm điều phối thực hành, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao nhận thức về hiệu quả của hành vi tiết kiệm.
Cả châu Âu đã phải trải qua những đợt nắng nóng, khô hạn bất thường kể từ đầu mùa Hè, khiến lượng tiêu thụ điện ở nhiều nước thành viên tăng đột biến. Các nhà chức trách châu Âu đang lo lắng mặc dù mùa Đông năm nay còn chưa tới. Viễn cảnh bị Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt khiến cả châu Âu phải thấp thỏm với câu hỏi thời tiết mùa Đông năm nay sẽ như thế nào?
Tại Pháp cũng vậy, hiếm có khi nào vào giữa mùa Hè, câu hỏi này lại làm khổ chính phủ đến vậy. Cái lạnh dữ dội có thể khiến nước Pháp, dù phụ thuộc khí đốt Nga thuộc diện ít nhất châu Âu, phải đối mặt với những lựa chọn mà nhiều chuyên gia gọi là “đau đớn”.
Cuộc xung đột ở Ukraine thực sự đã làm nổi bật, nhưng theo một cách tàn nhẫn, sự mong manh của nguồn cung năng lượng của Pháp, buộc chính phủ nước này phải xem xét các biện pháp phân bổ năng lượng trong kịch bản xấu nhất.
Theo Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp, “khó khăn trong mùa Đông này phụ thuộc vào ba yếu tố chính: khí đốt của Nga có sẵn hay không, thời tiết và sự sẵn sàng của các nhà máy điện hạt nhân”.
Trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh 14/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gióng lên hồi chuông báo động và khẳng định ông sẽ yêu cầu “các cơ quan hành chính nhà nước và các tập đoàn lớn chuẩn bị một kế hoạch” thực hành tiết kiệm.
Trước đó, đầu tháng Hai, ông cũng từng nêu chi tiết lộ trình hướng tới độc lập về năng lượng, đặt ra mục tiêu tập thể là giảm tiêu thụ 40% vào năm 2050. Để đạt được điều này, về cơ bản nước Pháp sẽ tiến hành cải tạo nhà ở, phát triển xe điện và khử carbon công nghiệp trên quy mô lớn. Sau kỳ nghỉ Hè tới, chính phủ sẽ thảo luận về dự luật thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cũng như các tham vọng về điện hạt nhân.
Nhưng chỉ ba tuần sau bài phát biểu này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, làm đảo lộn mọi kế hoạch. Xung đột quân sự đã kích hoạt một trò chơi trừng phạt có đi có lại giữa phương Tây và Nga, khiến các kế hoạch chuyển đổi và tiết kiệm năng lượng, dù hiệu quả và hợp lý đến đâu, phải “cất vào ngăn kéo”.
Trong bối cảnh xung đột, trước mối đe dọa mất nguồn cung khí đốt thường trực của Nga, châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm tiêu thụ năng lượng để vượt qua mùa Đông tới.
Tại Pháp, chính phủ đã thành lập 5 nhóm làm việc về chuyển đổi năng lượng. Bộ Chuyển đổi và công vụ chịu trách nhiệm về chuyển đổi của khu vực nhà nước, đôn đốc các cấp chính quyền tiết kiệm, giảm tiêu thụ năng lượng và thúc đẩy mục tiêu thoát nhiên liệu hóa thạch.
Bộ Lao động phụ trách các kế hoạch tổ chức công việc, tăng cường hình thức làm việc từ xa, phối hợp với các nghiệp đoàn giảm thiểu tiêu thụ năng lượng tại các nơi làm việc. Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ phụ trách khu vực thương mại, bãi đậu xe và các khu vực dịch vụ công cộng... Bộ Chính sách nhà ở có trách nhiệm đối với các chung cư và tòa nhà đô thị. Cuối cùng, Bộ Chuyển đổi Năng lượng làm việc với chính quyền địa phương về các cơ sở trường trung, chiếu sáng công cộng...
Tất cả các nhóm làm việc sẽ phải báo cáo chính phủ vào cuối tháng Chín để có biện pháp thực hiện tiết kiệm đồng loạt trước khi mùa Đông đến.
Chính phủ Pháp hy vọng những lợi ích đạt được từ các biện pháp tiết kiệm sẽ đủ để thúc đẩy sự thay đổi về hành vi của mọi đối tượng. Theo đánh giá của Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp, “những biện pháp đang đề xuất có tác động trực tiếp đến hóa đơn của các nhân tố khác nhau. Ví dụ, việc đóng cửa cửa hàng hợp lý cho phép giảm 20% hóa đơn sưởi ấm; một cá nhân hạ nhiệt sưởi bằng khí đốt 1,5 độ C sẽ tiết kiệm được 10%”.
Tất cả các biện pháp đề xuất sẽ giúp Pháp tiết kiệm được khoảng 10% năng lượng trong hai năm. Vào mùa Thu, theo lời kêu gọi của Ủy ban châu Âu (EC), Chính phủ Pháp sẽ tiến hành một chiến dịch truyền thông rộng lớn để nâng cao nhận thức của các cá nhân, hộ gia đình và các tập thể về kế hoạch tiết kiệm năng lượng.
Tại Pháp, các biện pháp thực hành tiết kiệm vẫn còn mang tính biểu tượng hoặc hình thức như ấn định nhiệt độ trong các tòa nhà, cấm chiếu sáng văn phòng như bảng hiệu đèn neon sau 10 giờ tối... Trong khi đó, các quốc gia khác đã có những biện pháp nghiêm khắc hơn nhiều, chẳng hạn Đan Mạch đã từ bỏ chiếu sáng dịp Giáng sinh, Thụy Sỹ cấm lưu thông vào các chủ nhật, Bỉ hạn chế tốc độ trên đường cao tốc...
Trong năm 2022, mọi nỗ lực tự nguyện đều nhằm vào các ngành công nghiệp và nếu chưa đủ, chính phủ sẽ buộc phải áp dụng biện pháp phân bổ khẩu phần tiêu thụ năng lượng cho các cơ sở sản xuất.
Trong khuôn khổ châu Âu, chính phủ có thể ban hành quy định tăng thuế đối với những lượng khí đốt tiêu thụ vượt mức nhất định. Một cơ chế cảnh báo sẽ được kích hoạt để nhắc nhở các khách hàng tiêu thụ năng lượng. Các khu công nghiệp có thể được thông báo trước 24 giờ về việc bị cắt nguồn ứng khí đốt trong hai giờ trong trường hợp “bất đắc dĩ”.
Link gốc