Kỷ niệm 60 năm ngành Điện

Phát triển bền vững ngành Điện: Cơ khí điện lực đóng vai trò then chốt

Thứ ba, 10/6/2014 | 13:21 GMT+7
60 năm qua, ngành Điện đã có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên để có thể lớn mạnh trên đôi chân của chính mình thì lĩnh vực cơ khí điện, chế tạo trang thiết bị điện phải tự chủ và đi đầu. Muốn như vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, cụ thể hóa quyết sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua các công cụ thuế, quy định về đấu thầu... Đó là nhận định của Tiến sỹ Đậu Đức Khởi – Anh hùng lao động, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam (VELINA).


Cơ khí điện lực phải đi đầu để tạo sự tự chủ cho ngành Điện. Ảnh: Ngọc Thọ

PV: Đánh giá của ông về năng lực của các doanh nghiệp cơ khí điện, chế tạo thiết bị điện trong nước, thưa ông?

Ông Đậu Đức Khởi: Từ chỗ thiết bị điện, trang bị điện đều phải dựa vào nhập ngoại thì đến nay, chúng ta đã sản xuất được cột điện cao đến 164m như cột vượt sông Tiền chẳng hạn. Hệ thống cột 500kV, chúng ta cán kéo được tất cả dây dẫn trên không đến 500kV. Những thứ này trước đây kể cả khi thi công đường dây 500kV mạch 1 đều phải nhập. Chúng ta đã chế tạo được máy biến thế 450.000kVA - 500kV do thành viên Hiệp hội là Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh sản xuất. Hiệp hội đã cùng các doanh nghiệp thành viên tạo thành một thị trường về thiết bị Kỹ thuật Điện Việt Nam lớn mạnh, cung cấp đủ các vật tư, thiết bị kỹ thuật điện cho lưới điện từ 35kV trở xuống, cung cấp một số thiết bị có điện áp đến 110kV, 220kV, các loại cột thép mạ kẽm và cáp nhôm trần cung cấp cho lưới điện từ 500kV. Hiện nay, một số doanh nghiệp, đã sản xuất các loại cáp bọc cho nhu cầu ngầm hoá lưới điện trong các thành phố, các loại khí cụ điện, tủ bảng điện, động cơ điện các loại và công tơ cơ khí, điện tử cho nền kinh tế xã hội. Trong thời gian qua, nhiều đơn vị đã xuất khẩu cho thị trường thế giới như các nước khu vực Đông Nam Á, Mỹ, Trung Đông .v.v..

Đến nay các thành viên Hiệp hội đã xuất khẩu gần 100 triệu USD ra thị trường các nước. Hiện, Hiệp hội đang cùng với các thành viên của mình thực hiện một số dự án như sản xuất sứ chuỗi cho lưới điện cao thế. Những thành viên của Hiệp hội chúng tôi đã ép được sứ Silicon Rubber tức sứ hữu cơ. Chúng tôi quyết tâm chế tạo được loại sứ này cho đường 110kV. Nếu làm được sứ cho đường 110kV thì tức cũng có nghĩa sẽ mở ra hy vọng cho sứ trên đường dây 220kV.

Tới thời điểm này, Hiệp hội chúng tôi có hơn 100 thành viên, có cả thành viên nước ngoài như Hiệp hội phần mềm Thái Lan, Hiệp hội công nghiệp phụ trợ Thái Lan, Hiệp hội cơ khí Hàn Quốc, Hiệp hội Thời báo của Hàn Quốc…Chúng tôi tiếp tục phát triển Hội viên phía Nam, nước ngoài. Hiệp hội nghề của Đức mới đây cũng rất mong muốn có bước phối hợp hoạt động với chúng tôi.

Có thể khẳng định, Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam đã thực sự là mái nhà chung của các doanh nghiệp thành viên, là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đóng góp ý kiến cho một số chủ trương chính sách phát triển kỹ thuật điện cho Đảng và Nhà nước.


Anh hùng lao động, TS Đậu Đức Khởi - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam Velina
Từng giữ trọng trách trong ngành Điện nhiều năm trước khi được tín nhiệm bầu vào Chủ tịch VELINA, xin ông cho biết đâu là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp cơ khí điện hiện nay?

Năng lực của các doanh nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị điện của Việt Nam không kém nhưng với những chính sách hiện tại nhất là về thuế đều không thuận lợi thì con đường đưa sản phẩm trực tiếp ra thị trường là không thể. Đơn cử, một gói thầu kết cấu cơ khí cho các trạm 220kV, 500kV, cơ khí điện lực chúng ta làm tốt, mã kẽm nhúng nóng, chất lượng tương đương với nước ngoài nhưng chúng ta không có trung tâm kiểm định chất lượng, không có được chứng chỉ chất lượng quốc tế nên phải làm qua Tập đoàn Siemens. Cần nói thêm, chứng chỉ chất lượng này là bắt buộc khi cung cấp thiết bị cho các công trình nhất là những công trình, dự án trọng điểm. Tuy nhiên để có chứng chỉ chất lượng này, số tiền bỏ ra không hề nhỏ, lên tới cả triệu USD. Việt Nam chưa có một trung tâm kiểm định chất lượng tầm cỡ và được công nhận cấp độ quốc tế. Do đó, nếu có thể, theo tôi là phải xây dựng gấp trung tâm kiểm nghiệm tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam. Được công nhận và có chứng chỉ chất lượng rồi, sản phẩm cơ khí điện lực, trang thiết bị điện Made in Vietnam có thể đường hoàng bước ra thị trường.

Ngành Điện sắp sửa kỷ niệm 60 năm, chặng đường này chứng kiến những thành quả nhưng cũng còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Theo ông, để ngành Điện muốn phát triển thực sự bền vững và lớn mạnh cần những yếu tố gì thưa ông?

Rõ ràng, ngành Điện phải tự đứng trên đôi chân của chính mình thôi. Điện lực phải đi trước một bước và muốn tự chủ, đi trước thực sự được hay không thì cơ khí điện lực, chế tạo thiết bị điện phải đủ mạnh, không phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó, phải hình thành sớm thị trường điện, giá điện chỉ công khai minh bạch khi giá cả được quyết định bởi cung - cầu. Hiện, ngành Điện chưa có dự phòng thì cũng đồng nghĩa với việc chưa hình thành được một thị trường điện lực cạnh tranh đúng nghĩa. Và theo lộ trình đặt ra của Chính phủ, đến 2015, các Tổng công ty Phát điện (GENCO) sẽ tách ra, tạo điều kiện cho việc minh bạch giá điện và đẩy nhanh quá trình hình thành thị trường điện cạnh tranh. Riêng với cơ khí điện lực, do đóng vai trò then chốt quyết định sự phát triển bền vững của ngành thì rất cần chính sách thuế cũng phải thực sự phù hợp và ưu đãi cụ thể.

Như Trung Quốc, họ mất 15 năm để phát triển cơ khí điện và chế tạo thiết bị điện. Từ chỗ phải đi nhập khẩu các nước châu Âu, giờ đây, họ đã cung ứng đủ cho các dự án điện trong nước và xuất khẩu với lượng khổng lồ. Trong đấu thầu tại các nước, họ còn bỏ thầu với giá thậm chí là ai cũng biết chỉ có thể hòa vốn hoặc lỗ. Nhưng theo kinh nghiệm và tìm hiểu của tôi, các doanh nghiệp cơ khí, chế tạo thiết bị điện Trung Quốc được hưởng một nguồn tài chính từ việc chính sách của nhà nước họ “thưởng ưu đãi” cho các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tốt.

Nhìn lại chúng ta thì sao? Chúng ta đang tự “mang dây buộc mình”. Tôi chỉ nêu thêm 1 ví dụ: Thị trường biến thế đo lường có biến điện thế và biến dòng điện. Nếu theo quy phạm là 0,2% độ chính xác thì Việt Nam chưa chế tạo được biến thế đo lường. Chúng ta phải nhập về biến điện thế với thuế suất nhập khẩu là 5%. Biến dòng điện thì lại chịu mức thuế 21%. Theo tôi mức thuế suất nhập khẩu cho các thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất, chế tạo công nghiệp điện chỉ nên ở mức 0,5% mới khuyến khích được các doanh nghiệp chế tạo và hạ giá thành sản phẩm khi sử dụng những linh kiện phải nhập khẩu nhất là trong giai đoạn đầu trước mắt này.

Điện lực chỉ trở thành “cường tráng” khi bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam có những nhà máy cơ khí điện lực, chế tạo trang thiết bị điện ngang tầm khu vực. Cũng nói thêm, Bộ Chính trị vận động toàn dân “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng rào cản từ thuế, quy chế đấu thầu, quy chế vay vốn nước ngoài lại đang kéo lùi bước tiến và làm giảm nhiệt huyết của các doanh nghiệp cơ khí điện. Những rào cản này cần nhanh chóng được khắc phục và sớm điều chỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam là tổ chức liên kết của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, tư vấn, xây lắp, đào tạo, kinh doanh, sử dụng quản lý vận hành các thiết bị vật tư kỹ thuật Điện ở Việt Nam.

Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn  về kinh tế, Công nghệ kỹ thuật để không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của xã hội mà trước mắt là ngành Điện Việt Nam.
Trần Ngọc Thọ (thực hiện)