Diễn đàn năng lượng

Phát triển các công trình nhà xanh và công trình hiệu quả năng lượng

Thứ sáu, 22/10/2021 | 16:30 GMT+7
Là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, nhưng xây dựng cũng là ngành có tiềm năng lớn về sử dụng năng lượng hiệu quả.

Hội nghị chia sẻ kết quả thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng (EECB)"
 
Theo các chuyên gia kinh tế, xây dựng là ngành sử dụng nhiều năng lượng, chiếm khoảng 35%-40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, trong đó chủ yếu là tiêu thụ điện. Tuy nhiên, ngành này cũng có tiềm năng lớn về sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà có thể được tiết kiệm từ 25-67% sẽ giúp giảm chi phí vận hành tòa nhà và lượng khí thải CO2 (cacbon điôxít), mang lại lợi ích về môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.
 
Ngày 22.10, tại hội nghị chia sẻ kết quả dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng” (EECB) và thảo luận về việc tiếp tục phát triển các công trình nhà xanh và công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam do Bộ Xây dựng (MOC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, MOC cho biết, phát triển và thúc đẩy các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả ở Việt Nam với sự hỗ trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua UNDP, đã thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, làm giảm lượng khí thải nhà kính trực tiếp là 73.035 tấn CO2. 
 
Dự án đã cung cấp các nghiên cứu và kiến nghị về chính sách và kỹ thuật để đưa quy định về công trình xanh và công trình sử dụng hiệu quả năng lượng vào Luật sửa đổi, bổ sung nhiều điều của Luật Xây dựng (tháng 6.2020) và Nghị định hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 15/2011/ NĐ-CP); nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về đặc tính sử dụng năng lượng hiệu quả của vật liệu xây dựng; các tiêu chuẩn kỹ thuật về phương pháp lập hồ sơ tiêu thụ năng lượng cụ thể; thiết bị và vật liệu tiết kiệm năng lượng… Dự án cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho 23 tòa nhà mới và cải tạo với tổng số 75 giải pháp được áp dụng, giúp tiết kiệm 12.000MWh (giảm 10.000 tấn CO2tđ (tđ-tương đương-PV)), tương ứng với tiết kiệm 35 tỉ đồng.
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá dự án mang lại những tác động ý nghĩa trong ngành xây dựng nói riêng và góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói chung.
 
Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - ông Patrick Haverman khẳng định: “Công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh là yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững và nỗ lực phục hồi xanh của lĩnh vực bất động sản. Cải tạo và phục hồi kinh tế thông qua xây dựng xanh và hiệu quả năng lượng có thể tiết kiệm chi phí lâu dài và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời cải thiện phúc lợi, sức khỏe và môi trường sống và làm việc của người sử dụng”. 
 
Cũng theo ông Patrick Haverman, một số hành động tiếp theo mà Chính phủ có thể xem xét để duy trì sự phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. 
 
Cũng trong sáng 22.10, Ban Quản lý dự án EECB đã thí điểm đánh giá và chứng nhận hiệu quả năng lượng tòa nhà cho 15 công trình tại Hà Nội và 15 công trình tại TP.Hồ Chí Minh. Dự án của EECB nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành xây dựng ở Việt Nam, bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, bắt đầu triển khai vào năm 2016 và kết thúc vào năm 2021.

Link gốc
Theo: Lao động