Trước bối cảnh nguồn nhiên liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt, việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi (ĐGNK) không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà còn góp phần thực hiện chiến lược biển Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi.
Nhiều tiềm năng
Tài nguyên năng lượng gió ngoài khơi là nguồn năng lượng mới, đã được phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới. Để đảm bảo nguồn an ninh năng lượng quốc gia, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với nội dung xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển ĐGNK gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Tại hội thảo “Lộ trình Phát triển ĐGNK Việt Nam và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” được tổ chức mới đây đã chỉ rõ, với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160GW trong vòng 5-100km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ĐGNK. Cụ thể, bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn, đồng thời tạo nhiều việc làm và thu hút đầu tư.
Ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - cho biết, việc Việt Nam xác định chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, ĐGNK chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra những cơ chế chính để tạo hành lang pháp lý vững vàng, đẩy nhanh lộ trình thúc đẩy điện gió phát triển.
Cần khung pháp lý phù hợp
Tiềm năng để phát triển ĐGNK của Việt Nam rất lớn, đặc biệt với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội để thu hút nguồn vốn lớn và công nghệ từ nước ngoài tham gia phát triển ĐGNK tại Việt Nam. Theo các chuyên gia năng lượng, Việt Nam hội tụ đủ tiềm năng, có khả năng đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm ĐGNK lớn của thế giới và thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ ven biển.
Để khai thác hết thế mạnh của ĐGNK, ngay lúc này nhà nước cần có các chính sách, xây dựng chiến lược quốc gia phát triển ĐGNK. Cụ thể, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần. Đây là điều kiện tiên quyết để Chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp ĐGNK, từ đó thu hút đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ.
Ngoài ra, cần có khung pháp lý và hợp đồng mua-bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉ định một cơ quan của chính phủ làm đầu mối duy nhất và đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án ĐGNK, nhằm đảm bảo các dự án hoàn thành đúng thời gian đã định. Cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho biết, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, những lợi ích kinh tế quan trọng của việc triển khai ĐGNK tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần tính toán và cân nhắc đưa các yếu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, qua đó xây dựng chính sách phù hợp để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam những năm tới.
Nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho biết, nếu tập trung đầu tư và có giải pháp đột phá, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW ĐGNK.
Theo: Báo Công thương