Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc, Ninh Thuận). Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN
Quyết tâm đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung đã được cụ thể hóa bằng việc đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tăng tốc làm điện gió ở phía Tây
Ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị, nhất là huyện miền núi Hướng Hóa có tiềm năng rất lớn về điện gió vì tốc độ gió trung bình đạt từ 6m/s – 8 m/s. Đến tháng 2/2021, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió ở Quảng Trị với tổng công suất trên 1.177 MW; trong đó có 22 dự án điện gió dự kiến phát điện thương mại cuối năm 2021; 7 dự án còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng.
Đến nay tỉnh Quảng Trị có 2 dự điện gió là Hướng Linh 1 và 2 đã đi vào hoạt động. Ngoài các dự án điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch, tỉnh còn có hàng chục dự án điện gió khác đang trong quá trình nghiên cứu và khảo sát với tổng công suất trên 3.600 MW. Hầu hết các dự án điện gió ở Quảng Trị đều tập trung ở các xã vùng biên giới như: Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Tân… thuộc huyện miền núi Hướng Hóa.
Việc có nhiều dự án điện gió được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động đang đóng góp lớn cho thu ngân sách của tỉnh; đồng thời, làm thay đổi bộ mặt các địa phương có dự án điện gió. Dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ thị trấn Khe Sanh vào các xã: Hướng Tân, Hướng Phùng nhiều dự án điện gió đang được triển khai xây dựng trên đỉnh núi cao chót vót như các nhà máy: Hướng Tân, Hướng Phùng 1, 2 và 3.
Ông Lê Văn Thắng, đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và 3 ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết, nhà đầu tư ngoài làm điện gió còn xây dựng hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho người dân địa phương đi lại và khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng. Ngoài ra nhà đầu tư còn hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình an sinh xã hội, qua đó nâng cao mức sống của người dân.
Là địa phương đã và đang được thụ hưởng từ nhiều dự án điện gió, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng, ông Hồ Văn Khưn cho biết, các dự án điện gió đang làm thay đổi bộ mặt của địa phương, nhất là về hạ tầng giao thông. Các dự án này còn tạo việc làm cho con em và hỗ trợ địa phương đảm bảo an sinh xã hội.
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Trị quyết tâm đưa 22 dự án điện gió với tổng công suất trên 907 MW đi vào vận hành thương mại với các nhà máy như: Hướng Phùng 2 và 3; Hướng Tân, Phong Nguyên, Phong Liệu, Phong Huy... Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị Lê Quang Vĩnh cho biết, để 22 dự án điện gió phát điện thương mại trong năm 2021, tỉnh đôn đốc chủ đầu tư tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ sửa chữa Quốc lộ 9 và các tuyến đường khác để tạo điều kiện cho nhà đầu tư điện gió, vận chuyển trang thiết bị từ Cảng biển Cửa Việt lên vùng miền núi phía Tây của Quảng Trị.
Khó khăn nhất trong việc phát triển điện gió ở vùng phía Tây của Quảng Trị, là lưới điện chưa đáp ứng được công suất, dự kiến trên 3.600 MW. Cụ thể là việc thu gom, truyền tải điện từ Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hóa về thành phố Đông Hà, hiện nay chỉ có 1 đường dây 110 kV truyền tải được 130 MW. Sắp tới có thêm đường dây truyền tải điện từ Lao Bảo về Đông Hà được đầu tư xây dựng, nhưng cũng chỉ truyền tải được tổng công suất 1.200 MW. Trong khi đó còn trên 2.400 MW chưa có đường dây truyền tải để giải tỏa công suất phát điện cho các nhà máy điện gió.
Để giải quyết khâu truyền tải điện cho các dự án điện gió ở vùng miền núi phía Tây, trước mắt, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Lao Bảo - Đông Hà, cùng dự án nâng tiết diện đường dây 110 kV Đông Hà - Lao Bảo để giải tỏa công suất điện cho các nhà máy điện gió khi đi vào vận hành.
Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, để khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng năng lượng điện gió ở phía Tây, trong giai đoạn 2021 - 2023 cần triển khai đầu tư và đưa vào vận hành Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị tại huyện Hải Lăng; lập bổ sung quy hoạch và đầu tư thêm 1- 2 tuyến đường dây 220 kV nối từ Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị đến Hướng Hóa dài khoảng 65 km; đồng thời bổ sung quy hoạch và đầu tư Trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa.
Làm nhiệt điện, điện khí và điện mặt trời ở phía Đông
Vùng ven biển phía Đông của Quảng Trị đang thu hút được nhiều nhà đầu tư vào làm nhiệt điện, điện khí và điện mặt trời với số vốn lên đến hàng tỷ đô la Mỹ. Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị được thành lập năm 2015, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm 17 xã, thị trấn thuộc các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh có tổng diện tích trên 23.000 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành; trong đó trọng tâm là phát triển điện năng, cảng biển gắn với Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Riêng trong lĩnh vực năng lượng, khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị đã thu hút được Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1, do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan đầu tư, có tổng công suất 1.320 MW với số vốn trên 55.000 tỷ đồng. Dự án này đã được khởi công vào tháng 12/2019. Tổ máy số 1 của dự án dự kiến phát điện vào năm 2023.
Trong khi đó, ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc, bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; trong đó, bổ sung giai đoạn 1 quy mô công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ đưa vào vận hành năm 2026 - 2027.
Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và các đối tác làm chủ đầu tư dự kiến sẽ được triển khai ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng thuộc Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, với tổng diện tích sử dụng đất trên 140 ha, cùng 100 ha mặt nước. Tổng công suất phát điện 4.500 MW; trong đó, giai đoạn 1 là 1.500 MW, giai đoạn 2 là 3.000 MW. Nguồn khí cung cấp cho dự án này có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi Quảng Trị như: Kèn Bầu, Báo Vàng.
Dự kiến giai đoạn 1 của dự án đi vào vận hành từ năm 2026 – 2027; giai đoạn 2 vận hành sau năm 2030. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4,5 tỷ USD; trong đó giai đoạn 1 khoảng 1,5 tỷ USD, giai đoạn 2 gần 3 tỷ USD. Nguồn điện sau khi dự án đi vào vận hành là khoảng 27 tỷ kWh, góp phần nâng cao tỷ lệ dự phòng công suất và giảm thiểu nguy cơ thiếu điện của cả nước. Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng là dự án lớn nhất tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ đóng góp khoản ngân sách rất lớn cho địa phương này.
Ngoài ra, Công ty Gazprom của Nga cũng đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340 MW ở Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, những dự án điện khí kết hợp khai thác các mỏ khí ở ngoài khơi Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng thành công, sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới. Qua đó góp phần quan trọng đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình cao của cả nước, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.
Ở vùng ven biển phía Đông, tỉnh Quảng Trị còn thu hút đầu tư vào làm điện mặt trời trên vùng cát trắng vốn bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng lại thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Đến nay tỉnh đã thu hút hàng chục dự điện mặt trời với tổng công suất trên 1.500 MW; trong đó, Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị có công suất 49,5 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư, đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia.
Hiện nay Công ty Cổ phần năng lượng Gio Thành đang đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Công ty Cổ phần SECO, đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2, có công suất và số vốn đầu tư tương tự Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1.
Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở vùng ven biển phía Đông, tỉnh Quảng Trị đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung trong tương lai gần.