Viên nén gỗ. Ảnh: Internet
Chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2068/TTg, ngày 25/11/22015, khẳng định mục tiêu phát triển năng lượng sinh khối đạt 32,2 triệu TOE (đơn vị năng lượng quy đổi - tấn dầu tương đương) vào năm 2030, 62,5 triệu TOE năm 2050.
Trong đó: Sử dụng mục đích phát điện đạt 9 triệu TOE vào năm 2030, 20 triệu TOE năm 2050, tương ứng với sản xuất ra 37 và 85 tỷ kWh điện; sử dụng sinh nhiệt đạt 16,8 triệu và 23 triệu TOE vào năm 2030 và 2050; dùng sản xuất nhiên liệu sinh học đạt 6,4 và 19,5 triệu TOE vào năm 2030 và 2050.
Năng lượng sinh khối tạo nên bởi nhiên liệu sinh khối. Nhiên liệu sinh khối (Biomass) là những loại vật liệu sinh học có nguồn gốc từ sinh vật, thực vật. Vật liệu này chứa năng lượng được tích lũy từ quá trình quang hợp ánh nắng mặt trời. Nhiên liệu sinh khối là gỗ/củi, phế thải từ lâm nghiệp (mùn cưa, phoi bào,...), phế thải từ nông nghiệp (trấu, rơm rạ, bã mía…), phế thải chăn nuôi, rác thải hữu cơ, các loài tảo, cây trồng mục đích chuyên sinh khối nhanh...
Việc sử dụng nhiên liệu sinh khối mang lại lợi ích, trước hết nó có thể tái tạo cho nên tiềm năng là vô tận, vì động thực vật tạo ra sinh khối liên tục. Nó ít gây hại hơn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa còn trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường (như xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, chất thải sinh hoạt,...).
Nhiên liệu sinh khối ở khắp mọi nơi và rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch. Nó tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tạo sinh kế mới, thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất lợi cần quan tâm. Đó là: Sinh khối có mọi nơi nhưng thiếu tập trung, hơn nữa khối lượng sử dụng lớn nên chi phí vận chuyển cao, kho chứa lớn,…
Đôi khi sinh khối còn ẩm nên cần sấy như vậy mất thêm chi phí điện năng khi thêm quy trình này và đây thuộc nhóm nhiên liệu mới cho nên công nghệ còn mới, cho hiệu quả chưa cao như nhiên liệu rắn, lỏng khác. Quá trình đốt nếu công nghệ không đảm bảo sẽ sinh ra khí độc hại.
Mặc dù vẫn còn một số bất lợi, tuy nhiên, phát triển năng lượng từ nhiên liệu sinh khối là một xu hướng lớn trong quá trình phát triển trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, mà một trong những nguyên nhân là lạm dụng năng lượng hóa thạch. Việt Nam là đất nước nằm ở vị trí địa lý mà thiên nhiên ban tặng lợi thế nắng lắm mưa nhiều, có rừng, có biển, có mức sinh khối ở nhóm cao nhất thế giới.
Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Trân Châu
Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với diện tích đất nông nghiệp là 1.485.455,77ha chiếm 90,1% (số liệu năm 2020), trong đó đất rừng chiếm 1.147.752ha (đất rừng sản xuất là 648.314ha). Bên cạnh đó, chăn nuôi cũng nằm trong top đầu cả nước với 788.000 con trâu, bò; 1.100.000 con lợn, 33.046.000 con gia cầm. Chưa tính diện tích mặt nước biển, hồ, thì đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nhiên liệu sinh khối. Hơn nữa, một nguồn rất lớn rác thải các loại của Nghệ An hầu như chưa được khai thác để sản xuất năng lượng sinh khối.
Hiện nay, trên cơ sở định hướng phát triển, tỉnh đã kêu gọi, hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng nhiên liệu sinh khối trên địa bàn, như một số nhà máy sản xuất viên nén gỗ sinh khối (Nhà máy DKC, Nhà máy BVN Thanh Chương...), sản xuất viên than nén Công ty Khánh Tâm Quế Phong); một số nhà máy đường sử dụng bã mía để sản xuất điện như Nhà máy đường NASU, hay đốt bã mía để thu hồi nhiệt ở nhà máy Sông Lam, Sông Con...; một số trang trại chăn nuôi xử lý chất thải tạo Biogas dùng làm khí đốt,...
Tuy nhiên, so với tiềm năng, sản xuất năng lượng từ sinh khối thực sự chưa tương xứng và còn nhiều dư địa để phát triển. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”.
Định hướng phát triển năng lượng từ nguồn nhiên liệu sinh khối là một trong những giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Bộ Chính trị đã khẳng định. Để đạt được định hướng trên, cần quan tâm đến một số vấn đề.
Thứ nhất, rà soát lại quy hoạch các bãi rác ở các cụm đô thị, các khu công nghiệp để hình thành một số bãi tập trung tạo điều kiện xây dựng các nhà máy xử lý rác theo hướng sản xuất năng lượng sinh khối. Trước mắt cần xúc tiến lại việc xây dựng nhà máy điện rác tại khu xử lý rác thải Nghi Yên.
Thứ hai, có cơ chế hỗ trợ để các trang trại chăn nuôi triển khai một số nhà máy sản xuất điện sử dụng gas từ việc xử lý chất thải chăn nuôi. Đề nghị có cơ chế đấu nối với mạng điện quốc gia.
Thứ ba, điều tra, rà soát lại các vùng nguyên liệu để tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thêm các nhà máy sản xuất viên nén sinh khối, nhất là khu vực các huyện miền Tây.
Thứ tư, rà soát lại diện tích rừng sản xuất, đất nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây chuyên mục đích sinh khối. Thử nghiệm du nhập và trồng một số đối tượng cây mục đích sinh khối phục vụ cho các nhà máy viên nén sinh khối. Thử nghiệm trồng một số loài cỏ sinh khối có rễ cắm sâu ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao để nhằm mục đích chống sạt lở và thu hoạch sinh khối.
Thứ năm, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để sản xuất viên nén sinh khối nhiệt lượng cao để có giá trị gia tăng cao khi xuất khẩu cũng như có khả năng cung cấp nhiên liệu tốt hơn cho các lò nhiệt cũng như nhà máy điện sinh khối trên địa bàn trong tương lai.
Thứ sáu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện sử dụng nhiên liệu sinh khối ở một thời điểm hợp lý nhằm kích thích hỗ trợ sản xuất nhiên liệu sinh khối trên địa bàn cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ. Việc này vừa đáp ứng định hướng phát triển năng lượng tái tạo, vừa kích thích phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho nông dân nhất là khu vực miền Tây.
Có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển hướng sử dụng dần năng lượng sinh khối trong quá trình phát triển, nhất là các lò đốt đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu sinh khối là vô tận, bởi con người cũng là sinh vật, thực vật sinh khối liên tục, nếu khai thác hợp lý thì bên cạnh giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mà chúng ta còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và với một xã hội chất lượng cuộc sống ngày một cao hơn.
Link gốc