Phó Tổng giám đốc EVN - Phạm Hồng Phương làm việc với đoàn công tác Vụ Quản lý nước và thiên tai - Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT).
Tham dự buổi làm việc có ông Shiyehisa Shimamoto - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý nước và thiên tai (MLIT), ông Nobuyuki Ichihara – Giám đốc bộ phận Hợp tác Quốc tế - Cơ quan Nước Nhật Bản (Japan Water Agency - JWA), cùng đại diện Tập đoàn Nippon Koei và Nippon Koei Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Shiyehisa Shimamoto - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý nước và thiên tai (MLIT) cho biết: Trong tháng 11/2022, JWA đã có buổi làm việc với EVN và trao đổi các nội dung liên quan đến quản lý an toàn đập và đã có những thông tin tích cực.
Chính vì vậy, ngày hôm nay Vụ quản lý nước và thiên tai (MLIT) - đại diện chi Chính phủ Nhật Bản làm việc với EVN liên quan đến đập, phòng chống thiên tai. Một trong những chức năng của MLIT là đưa ra các giải pháp phòng chống lũ lụt, chính sách liên quan đến quản lý nguồn nước và quản lý các dòng sông của Nhật Bản. Tháng 4/2022, Nhật Bản đăng cai tổ chức diễn đàn quốc tế liên quan đến nguồn nước với sự tham dự của nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại diễn đàn này Chính phủ Nhật Bản đưa ra tuyên bố Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ giúp đỡ các nước trong khu vực giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn nước bằng hỗ trợ giải pháp công nghệ, kỹ thuật, xây dựng hạ tầng.
Đoàn công tác của Nhật Bản cùng với lãnh đạo EVN và các ban chuyên môn của EVN.
Nhật Bản rất quan tâm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu do biến đổi khí hậu hiện nay diễn biến rất phức ra gây có nhiều mưa lớn, làm ngập lụt. Nhật Bản cũng quan tâm cải tạo, nâng cấp các đập thủy điện – đây cũng là một trong những giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính sách của Nhật sẽ có chủ trương hỗ trợ các nước trong khu vực cải tiến, cải tạo các đập hiện có để giúp giảm thiệt hại về lũ lụt, góp phần trong phát điện từ nguồn thủy điện giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ở Việt Nam có nhiều nhà máy thủy điện, có hồ, đập quy mô lớn, chính vì thế MLIT cùng với JWA rất mong muốn được tìm hiểu, hợp tác với EVN về vấn đề này.
Tại buổi làm việc, đại diện JWA đã trình bày các giải pháp công nghệ của mình và mong muốn EVN hỗ trợ để tiếp cận thông tin các các nhà máy thủy điện trong Tập đoàn để đơn vị có thể triển khai nghiên cứu.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong nâng cao hiệu quả vận hành nhà máy thủy điện, hiện nay EVN đã hoàn thành mở rộng 2 nhà máy gồm Nhà máy thủy điện Thác Mơ, Đa Nhim, hiện EVN đang triển khai mở rộng Nhà máy thủy điện Hòa Bình và Ialy.
Những nhà máy này EVN xây dựng thêm các tổ máy với công suất tổ máy tương đương tổ máy của nhà máy hiện hữu. Trong thời gian tới, EVN tiếp tục nghiên cứu để mở rộng một số nhà máy thủy điện khác. Lợi ích chính của việc mở rộng các nhà máy thủy điện là tận dụng nguồn nước xả thừa thì chạy qua tổ máy, sản xuất ra điện năng vào mùa mưa; Tăng thêm công suất giúp ổn định an toàn hệ thống, khi nguồn năng lượng tái tạo suy giảm. Hiện EVN nghiên cứu mở rộng của các tổ máy hiện hữu trên cơ sở sử dụng đập, hồ chứa hiện hữu mà không cải tạo đập, hồ chứa.
Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho rằng việc tăng nguồn nước, dự trữ nguồn nước ngọt và tăng thêm điện năng từ nhà máy thủy điện là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam ngày càng lớn. Lãnh đạo EVN mong muốn Nhật Bản tiếp tục nghiên cứu, trao đổi tìm hiểu hệ thống pháp luật của Việt Nam để xem có thể hợp tác nếu phù hợp.