Tư vấn sử dụng điện

Phòng tránh cháy nổ trong sử dụng điện vào mùa nắng nóng

Thứ sáu, 11/3/2022 | 16:31 GMT+7
Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. 

Diễn tập xử lý đám cháy trong mùa nắng nóng của nhân viên ngành điện.
 
Trong sinh hoạt chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là có thể để xảy ra cháy nổ hoả hoạn gây thiệt hại về con người và tài sản.
 
Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số nơi, đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam hiện nay đã vào mùa nắng nóng, Tổng công ty Điện lực miền Nam thông tin, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong mùa khô hanh, đặc biệt phòng tránh các nguyên nhân cháy do chập điện như sau:
 
Cháy do bị chập mạch điện: Chập mạch điện là hiện tượng các pha chập vào nhau, dây pha chạm đất hoặc dây nóng chạm vào dây nguội làm điện trở dây dẫn giảm, cường độ dòng điện tăng lớn đột ngột dẫn tới cháy vỏ cách điện dây dẫn, phát sinh tia lửa gây cháy thiết bị điện…. 
 
Nguyên nhân:
 
- Đối với loại dây có lớp bọc cách điện: Do dây bị kéo căng quá mức; sử dụng lâu ngày bị lão hoá mất khả năng cách điện, tác động của nhiệt độ cao; đặt dây tại khu vực có chất ăn mòn lớp cách điện; đóng đinh vào giữa 2 dây dẫn có cùng lớp cách điện làm cho lớp cách điện bị hỏng hoặc trường hợp các mối nối của 2 dây gần nhau không có lớp cách điện đảm bảo.
 
- Đối với loại dây trần: Có thể bị chập mạch do mưa bão, mắc dây nóng và dây nguội quá gần nhau, dây bị trùng chập.
 
- Việc đấu nối giữa các dây dẫn với thiết bị không đúng kỹ thuật, không chặt; do sét đánh thẳng vào đường dây.
 
- Đối với động cơ điện: Các cuộn dây không đảm bảo tiêu chuẩn cách điện; sử dụng lâu ngày bị lão hoá, động cơ bị kẹt quay chậm hoặc dừng quay...
 
Biện pháp phòng cháy:
 
- Thiết kế, lắp đặt hệ thống điện phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn điện và phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt đối với các môi trường có nhiệt độ cao, có chất ăn mòn, nguy hiểm cháy, nổ phải chọn dây dẫn, thiết bị điện đảm bảo an toàn, phù hợp với khu vực đó.
 
- Đối với nguồn điện phục vụ báo cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ phải lắp đặt hệ thống điện riêng, chống cháy.
 
- Thường xuyên, định kỳ kiểm tra để phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót của hệ thống điện không bảo đảm an toàn phòng cháy như: sự lão hóa của vỏ cách điện, hỏng cách điện do va đập, kéo dãn cơ học, chuột cắn…
 
- Ngắt thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc, khi ngủ.
 
- Lắp hệ thống chống sét cho hệ thống điện. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat, cầu chì…) đúng tiêu chuẩn để kịp thời ngắt mạch khi xảy ra chập mạch.
 
Một số biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh
 
Tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật; lắp Aptomat bảo vệ chung cho công trình, ngôi nhà, từng tầng, từng gian phòng; cầu dao, aptomat phải đặt trong (tủ, hộp) chuyên dùng và lắp đặt ở vị trí dễ thao tác. Đối với cơ sở sản xuất, nhà kho, chợ, trung tâm thương mại phải tách riêng hệ thống điện phục vụ sản xuất, kinh doanh với hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy.
 
Lựa chọn dây dẫn điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; lựa chọn dây dẫn có chất lượng cao khi đi ngầm trong tường; lựa chọn dây dẫn, thiết bị điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
 
Lắp đặt cáp dẫn, dây dẫn điện phải đặt trong khay cáp, thang cáp, hộp cáp hoặc rãnh cáp, ống luồn dây chuyên dùng; các mối nối dây dẫn điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật (nối so le và được quấn băng cách điện).
 
Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn (nếu cần luồn qua phải luồn trong ống thép); không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ cắm.
 
Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.
 
Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm.
 
Không lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện nếu không xác định rõ dây dẫn có chịu tải được hay không.
 
Không để các hàng hóa, vật liệu dễ cháy đè lên dây dẫn điện hoặc phủ lên ổ cắm điện, cầu dao điện, không để dưới bảng điện, ổ cắm điện, để cách xa ít nhất 0,5m.
 
Không phơi, sấy quần áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi; khi dùng thiết bị đốt nóng như bếp điện, ấm... phải có người trông coi.
 
Không sạc điện thoại, máy vi tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm.
 
Tắt các thiết bị điện không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc và trước khi ra khỏi nhà, khi ngủ; đối với các thiết bị tiêu thụ điện (Tivi, điều hòa, quạt…) tắt bằng điều khiển xong phải tắt công tắc, aptomat hoặc rút phích điện ra khỏi ổ cắm.
 
Các biện pháp phòng chống cháy nổ khác:
 
Không xây dựng công trình, nhà ở, lắp đặt biển quảng cáo hoặc trồng cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo quy định của pháp luật để không xảy ra cháy nổ do phóng điện.
 
Hạn chế đốt rác, đốt cây cải tạo đất dưới đường dây cao áp đang vận hành để tránh xảy ra sự lưới điện.
 
Bảo quản, sắp xếp đồ dùng trong gia đình ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách, không lấn chiếm lối thoát nạn; Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết.
 
Kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy được, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác.
 
Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m; khi thắp hương, đèn phải có người trông coi.
 
Một số biện pháp xử lý khi xảy ra cháy do chập điện:
 
Khi xảy ra cháy hệ thống điện hoặc trong khu vực có điện phải bằng mọi cách cắt ngay nguồn cấp điện để tránh chập cháy sang các khu vực xung quanh.
 
Đối với hệ thống điện: Ngắt cầu dao, aptomat.
 
Đối với thiết bị: Cắt công tắc, rút phích cắm.
 
Các trường hợp không thực hiện được thì dùng kìm cách điện, câu liêm có cán bằng vật liệu cách điện để cắt đứt dây dẫn điện từ nguồn cung cấp điện cho nơi bị cháy.
 
Sau khi đã cắt điện, tiến hành các biện pháp chữa cháy phù hợp với từng loại đám cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình bột, bình khí CO2, cát, nước để dập tắt đám cháy. 
 
Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra. 
 
Báo cháy ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số máy 114 hoặc công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất khu vực vực xảy ra cháy.
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy mỗi người hãy tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc, nơi ở và các biện pháp phòng ngừa. Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra.
 
Thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người.
 
Quốc Tuấn