Nạn thả diều còn khó kiểm soát
Theo ông Dương Văn Hạnh, Giám đốc Điện lực Phú Bình, Điện lực Phú Bình được giao quản lý lưới điện 19 xã và 01 thị trấn trên địa bàn huyện và 01 xã thuộc thành phố Thái Nguyên. Với đặc điểm địa hình, địa lý phức tạp, nhiều đồi núi, rừng cây trồng gần đường dây điện tồn tại nhiều ở các xã, thị trấn khu vực phía Đông Bắc của huyện như: Tân Hòa, Tân Thành, Tân Kim, Tân Khánh, do vậy, ngành điện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý hành lang lưới điện, đặc biệt trong mùa mưa, bão.
Đối với các xã phía Tây và phía Nam của huyện, trong quá trình quản lý, vận hành lưới điện, ngành điện đã gặp phải rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là với truyền thống chơi thả diều của người dân nơi đây. Việc thả diều với số lượng lớn, đa chủng loại, chơi thả diều quanh năm ở khu vực gần các công trình điện cao áp luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố lưới điện và mất an toàn cho người tham gia giao thông trên địa bàn.
Tình trạng chơi, thả diều của người dân trên địa bàn huyện gia tăng nhanh, tới mức báo động. Chỉ tính riêng thời gian từ tháng 3-6/2020, trên địa bàn huyện đã xảy ra 32 vụ sự cố lưới điện do diều gây ra. Dù cho người chơi, thả diều ở cách xa đường dây điện nhưng khi gặp gió, diều sẽ bay hoặc rơi vào lưới điện bất cứ lúc nào. Khi đứt dây, diều có thể bay xa cả 1km và mắc vào đường dây điện trung thế gây sự cố ngắt mạch, đứt dây điện, cháy lèo, cháy đầu cáp, phá hỏng các thiết bị đóng cắt,...
Ông Nguyễn Văn Trung, xã Úc Kỳ bộc bạch: Vừa qua, trời nóng oi ả, tôi và các cháu nhỏ đều phải ngủ trong phòng có điều hòa. Một đêm, khoảng trung tuần tháng tư, bỗng dưng mất điện khá lâu, các cháu không ngủ được, khóc inh ỏi, tôi bực tức với ngành điện vô cùng. Bố mẹ các cháu đi làm ca đêm, mất điện tôi phải bế và dẫn các cháu ra đường cho mát. Khi ấy, thấy công nhân ngành điện đang xử lý sự cố do diều gây mất điện, tôi mới thông cảm cho họ. Cần phải có những biện pháp xử lý người chơi diều gây ra sự cố điện.
Cần dán tem xác định chủ diều
Trước thực trạng đó, UBND huyện Phú Bình đã ban hành một số văn bản giao cho các cơ quan, phòng ban phối hợp với Điện lực huyện tăng cường nhiều biện pháp nhằm xử lý quyết liệt vấn nạn diều. Mới đây, huyện đã có Văn bản số 423/UBND-KTHT, ngày 8/4/2020 về việc tăng cường tuyên truyền và xử lý vi phạm thả diều gây sự cố lưới điện cao thế. Trong đó, yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức vận động, ký cam kết không chơi diều gần đường dây điện, xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm.
Giao Công an huyện phối hợp với Điện lực Phú Bình, với UBND các xã, thị trấn điều tra, củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân thả diều gây sự cố lớn cho lưới điện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được các cấp, các ngành, các đơn vị, trường học đẩy mạnh triển khai nhằm giúp người dân, các em học sinh hiểu hơn về tác hại của việc thả diều khi diều rơi vào lưới điện; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng với sự an toàn lưới điện và tài sản Quốc gia.
“Mặc dù sự cố mất an toàn lưới điện do diều gây ra rất nhiều nhưng chúng tôi mới xử phạt được một vụ do bắt được quả tang, còn lại việc xử lý rất khó vì chỉ có diều không biết chủ diều. Chúng tôi đề nghị, dán tem vào diều (xác định chủ diều) để khi xảy ra sự cố sẽ dễ cho công tác xử lý. Qua đó, người chơi diều sẽ có trách nhiệm hơn, nạn thả diều ắt sẽ giảm”, ông Hạnh nói thêm.
Mặc dù chưa có Luật cấm chơi, thả diều nhưng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, ngày 26/2/2014 về việc "nghiêm cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện, có khả năng gây sự cố lưới điện" và Nghị định 134/2013/NĐ-CP, ngày 17/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, ghi rõ: Hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 - 5.000.000 đồng.