Chị Nguyễn Thị Liên (người phía trước).
Đặc thù công việc ngành Điện là thế. Khi nhà nhà sum họp cũng là lúc người lao động ngành Điện làm việc để đảm bảo nguồn sáng vận hành liên tục, an toàn.
Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào dịp sát Tết Nguyên đán năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ trực tại các điện lực có vị trí trọng yếu. Trong đó, Trạm biến áp 220KV Mai Động là đơn vị cung cấp nhu cầu tiêu thụ điện lớn cho khu vực phía Nam thành phố Hà Nội.
Công việc của chị Liên diễn ra thường xuyên, không chỉ có trong ca trực ngày Tết, đó là trực phụ, kiểm tra thiết bị, bảo quản toàn bộ thiết bị và báo cáo tình hình với trực chính. Khi xảy ra sự cố thì trực chính là người nhận lệnh, còn chị là người trực tiếp thao tác. Trực chính đọc lệnh, trực phụ nhắc lại, ghi âm và thao tác.
Ngoài công việc theo dõi, tổng hợp tình hình thiết bị, chị còn phụ trách công việc dọn dẹp. Vì trong quá trình nỗ lực chuyển đổi thành “doanh nghiệp số”, nhân lực ngành Điện ngày càng giảm, một người làm nhiều việc hơn trước. Trước đây, Trạm 220kV có người chuyên phụ trách công việc vệ sinh công nghiệp. Nhưng hiện nay, Trạm chỉ còn 11 người, thực hiện tất cả công việc liên quan.
“Với lao động nữ ngành Điện, điều vất vả nhất là thường xuyên làm việc vào ca đêm. Cứ đến ca làm việc là lên đường mà không phân biệt ngày lễ, ngày Tết” – chị Nguyễn Thị Liên kể.
Năm đầu tiên lấy chồng, theo lệ, nàng dâu mới thường sửa soạn lễ gia tiên và ra mắt họ hàng. Nhưng với chị Liên, đó cũng là năm cả hai vợ chồng đi trực ở Trạm biến áp 220kV Ninh Bình. Từ chiều 30 Tết, trước khi vợ chồng chị vào ca, mẹ chồng chị không khỏi ngạc nhiên khi ngày Tết mà hai người vẫn không được nghỉ.
“Công việc đặc thù của chúng con cứ đến ca là đi chứ không phân biệt lễ, Tết mẹ à”, chị Liên giải thích với mẹ chồng.
Chị cho biết, rất may mắn khi được mẹ chồng thông cảm. Chị đi trực đến hết mùng 3 Tết mới về. Nhưng đó là ngày chưa có dịch bệnh. Còn năm nay, ca trực sẽ kéo dài hơn…
“Mọi người ai cũng thích Tết. Nhưng từ ngày có con nhỏ, mình không thích Tết vì vừa không có giúp việc, vừa không có trường học để gửi. Công việc sắm sửa Tết cho gia đình phải tranh thủ vào giờ giãn ca. Hơn 20 năm, ngẫm lại có chút thiệt thòi vì rất ít được bên gia đình vào thời khắc giao thừa và ngày Tết. Ban đầu, các con cũng có phàn nàn vì chưa bao giờ được đón giao thừa bên cả bố lẫn mẹ. Nhưng rồi các con đã hiểu, đã yêu thích, ước ao được trở thành công nhân ngành Điện. Trong mắt các con, mình đã làm được công việc nặng nhọc không kém nam giới", chị Liên tự hào nói.
Lãnh đạo Công đoàn Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tặng quà Tết, động viên cán bộ, công nhân viên Trạm biến áp 220kV Mai Động.
Làm việc ở Trạm biến áp 220kV Ninh Bình 5 năm từ những ngày đầu đặt nền móng đầu tiên, chị Liên cho biết, những gian khổ cứ theo lao động ngành Điện đến mọi miền đất nước. Những ngày ấy, nhà nghỉ ca chưa có vì cơ sở vật chất hầu như không có gì. Đoạn đường đi vào trạm dài có 500m nhưng hễ mưa là bùn lầy, nhão nhẹt, rất vất vả. Tiếp quản trạm đầu tiên, chị cùng đồng nghiệp phải đi pha các bình bột cứu hỏa, sơn từng biển báo, xây các tường rào, quét vôi, ghi lại tín hiệu, ký hiệu của tất cả thiết bị hay nghiệm thu máy biến áp, chuẩn bị cho công tác đóng điện.
“Ngày ấy vất vả, khó khăn ai cũng nhiệt huyết bằng sức trẻ và cống hiến, quyết tâm vượt qua những khó khăn trở ngại từ việc nhỏ bé nhất như phải làm quen với quần áo bảo hộ lao động và chấp hành kỷ luật lao động rất nghiêm ngặt.
“Ban đầu được sếp nhắc nhở vào ca phải mặc đầy đủ mũ, găng, ủng, quần áo bảo hộ, đóng hộp, đóng thùng cũng thấy khó chịu. Nhưng rồi dần dà mình thấy đó là thói quen tốt, giúp mình và những người xung quanh an toàn để trở về. Đến nay thì mình đã quen với bộ trang phục của ngành Điện”, chị Liên chia sẻ.
Chị Liên kể, ngày Tết, ngồi trực ca nghe tiếng pháo hoa đì đùng lại thấy chút chạnh lòng. Nhưng rồi chị tự nhủ bản thân có những lao động quét rác ngày Tết để làm đẹp đường phố. Còn công việc của mình cũng lặng thầm mà ý nghĩa. Vì nếu để xảy ra sự cố thì có tới 1/3 thành phố mất điện ngày Tết. Chị đã góp một phần vào văn minh của thủ đô.