Hình ảnh của tế bào “lai” có thể cung cấp điện năng cả khi trời nắng lẫn trời mưa.
Chúng ta đều biết điện quan trọng đến cuộc sống như thế nào. Trong quá trình lịch sử, các nguồn cung cấp điện năng đã trải qua nhiều bước tiến hóa nhằm đạt đến mức tối ưu trong việc tạo thêm nguồn năng lượng và bảo vệ cho hành tinh xanh. Từ nhiệt điện với nguồn năng lượng hóa thạch đến điện hạt nhân, điện thủy triều, điện gió, điện mặt trời...
Có lẽ cho đến nay thì nguồn điện mặt trời là khả thi nhất và tiện lợi nhất vì hằng ngày đều có đến một nửa trái đất luôn nhận được ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên lại nảy sinh vấn đề là sẽ ra sao vào những khi trời mưa hoặc tại những xứ mưa nhiều?
Vì vậy, các nhà khoa học tại Đại học Tô Châu (Trung Quốc) đã nghiên cứu thành công một giải pháp cho phép các tấm pin mặt trời cung cấp điện ngay cả khi trời mưa. Đây là một prototype (nguyên mẫu) lai có thể sản xuất điện năng vừa nhờ ánh nắng mặt trời vừa nhờ năng lượng cơ học được tạo ra bởi các hạt mưa rơi trên thiết bị.
Theo TS. Zhen Wen, Viện Vật liệu linh hoạt và Nano (FUNSOM), cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp các máy phát điện ma sát nano với các pin mặt trời đã được sử dụng trên các tấm quang điện”.
Các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm đều đã chứng minh tính hiệu quả của giải pháp này, tuy nhiên nhóm FUNSOM còn đi xa hơn trong việc đơn giản hóa hệ thống, tạo thuận lợi cho việc triển khai đại trà trong tương lai bằng một điện cực nhạy cảm với cả hai loại năng lượng. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ đưa công nghệ này ra thị trường trong vòng 5 năm tới.
Theo: Khám phá