Pin sinh học được cấp điện nhờ vi khuẩn trong mồ hôi

Thứ tư, 20/12/2017 | 12:32 GMT+7
Theo trang tin Interestingengineering.com số ra ngày 8/12, nhóm chuyên gia ở Đại học Điện và Máy tính Binghamton (BUEC), Mỹ vừa phát triển thành công một loại pin sinh học, cấp điện nhờ vi khuẩn do mồ hôi con người nuôi dưỡng, có thể co giãn như một mảnh vải thông thường.
 
Pin sinh học có thể co giãn như một mảnh vải thông thường. Nguồn ảnh: Interestingengineering.com
 
Các nhà khoa học cho hay, đây là thế hệ pin mới có khả năng co giãn, sử dụng các loại vi khuẩn ăn mồ hôi hay bất kỳ loại chất lỏng nào khác có khả năng nuôi dưỡng vi khuẩn để sản sinh điện năng. Nghe qua có vẻ “mất vệ sinh” nhưng lại rất hữu hình và tiềm ẩn trong việc tạo năng lượng dùng cho chính con người. Loại pin này được làm từ chất dẻo nên có khả năng phát điện ổn định kể cả khi bị kéo dài hoặc xoắn vặn nhiều lần.
 
Theo Phó giáo sư Seokheun Choi, chuyên gia chính của dự án, công nghệ nói trên tương đối mới mẻ và thân thiện với môi trường. Tính đa dạng của pin có thể tích hợp được vào nhiều thiết bị điện tử khác nhau. Đặc biệt, mồ hôi từ cơ thể con người là nguồn năng lượng có sẵn và vô tận, có chứa nhiều vi khuẩn nên có thể giúp cho pin hoạt động lâu dài.
 
Loại pin này có thể lắp cho các thiết bị dưới dạng băng dán thông minh hay dưới dạng găng tay hay tất, có chứa cảm biến trực tiếp trên da người. "Cơ thể con người có nhiều tế bào vi khuẩn hơn cả các tế bào trong chính cơ thể, nên tận dụng các tế bào khuẩn để sản sinh năng lượng được xem là "mũi tên trúng nhiều đích", có lợi cho con người lẫn môi trường", giáo sư Choi khẳng định.
 
Hiện tại, nhóm chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến khả năng tối ưu cho pin, để có thể lắp cho mọi thiết bị điện tử mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, nhất là lan truyền vi khuẩn, vi rút gây bệnh.
Theo: TKNL