Tư vấn sử dụng điện

"Quả bom độc hại" trong nhà: Điều không thể bỏ qua với tủ lạnh

Thứ sáu, 28/8/2020 | 00:46 GMT+7
Tủ lạnh bị rò rỉ gas là một trong những nguyên nhân khiến tủ không thể làm lạnh, nhưng nguy hiểm hơn cả chính là có thể gây ngộ độc, nếu lượng ga rò rỉ quá nhiều mà không hề hay biết.
 

Tủ lạnh bị rò rỉ gas vô cùng nguy hiểm, nên nhận biết sớm để xử lý.
 
Về mặt bản chất gas trong tủ lạnh không bị phá hủy và là một hệ thống tuần hoàn kín do vậy hiện tượng hết gas hoặc thiếu gas sẽ bắt nguồn từ việc đường ống hoặc các mối nối bị hở, bị thủng dẫn đến hiện tượng xì gas, hết gas.
 
Ngoài ra, những tủ lạnh có tuổi thọ cao thường rất dễ xảy ra tình trạng này. Các lỗ mọt xuất hiện li ti làm thoát khí gas trong dàn từ từ chứ không nhanh, nên thường thì ta không phát hiện sớm, cho đến khi tủ lạnh yếu lạnh hay không còn gas nữa.
 
Cũng có thể do quá trình sản xuất các mối hàn không được kín, không chắc chắn nên sau một thời gian sử dụng thì sẽ gây ra xì gas. Nhưng cũng có thể do vấn đề sửa chữa trước đó làm hở các mối hàn.
 
Tủ lạnh xì gas hoặc thiếu gas là một trong những nguyên nhân khiến cho tủ lạnh không làm lạnh. Nếu như không sớm khắc phục và bơm gas cho tủ lạnh có thể khiến cho thiết bị gặp phải những hư hỏng khác ngoài ý muốn. Bên cạnh đó khi tủ lạnh không đủ lạnh có thể khiến cho thức ăn dự trữ trong tủ lạnh bị hư hỏng và tạo ra những mùi hôi khó chịu bên trong tủ lạnh.
 
Nguy hiểm hơn cả là khi tủ lạnh bị rò rỉ gas sẽ gây mùi amoniac khó chịu. Theo tính toán, khoảng 0,44 kg gas lạnh/1m3 không khí thì có thể bị ngạt do thiếu dưỡng khí. Hầu hết các loại gas lạnh là không độc trừ Amoniac. Amoniac rất độc, gây kích thích niêm mạc, mắt, dạ dày, gây co thắt cơ quan hô hấp, làm bỏng da.
 
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu điện lạnh cho biết, con người chỉ ngạt khi phòng phải có lượng gas của 260 tủ lạnh hoặc 26 máy điều hoà xả trong phòng 60m2, do lượng gas nạp trong tủ lạnh chỉ khoảng 0,1kg, còn trong máy điều hoà 3,5 kW (12.000Btu/h) khoảng 1,0kg.
 
Gas amoniac chỉ dùng trong lạnh công nghiệp công suất lớn, không có trong lạnh dân dụng nên ít gặp, hơn nữa có mùi hắc rất khó ngửi nên dễ phòng tránh.
 
Xong, theo các chuyên gia, tuy lượng gas lạnh nạp chỉ khoảng 0,1kg cho 1 tủ lạnh, nhưng nếu có lẫn không khí và động cơ rò điện, gây ra tia lửa điện thì tủ lạnh có thể trở thành một quả bom.
 
Thành phần clo của gas lạnh freon còn là thủ phạm phá huỷ tầng ôzôn. Gas lạnh bị xì vào không khí tuy rất bền vững nhưng dần dần bay lên đến tầng bình lưu, bị tác động của tia tử ngoại, phân huỷ ra clo nguyên tử, phân huỷ ôzôn thành O2 và nguyên tử ôxi đơn O.
 
Một điều đặc biệt nguy hiểm cần lưu ý là khi có mặt sắt, thép làm chất xúc tác (khi thợ lạnh dùng đèn khò sửa chữa máy lạnh) các freon (một loại gas lạnh) phân huỷ ở 550 độ C có thành phần fosgen rất độc hại cho sức khỏe con người.

Link gốc
Theo: TKNL