Thông tin đầu tư

Quảng Bình: Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Thứ năm, 28/5/2020 | 16:07 GMT+7
Hiện nay, Quảng Bình đang có chính sách ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… 

Trang trại điện gió kết hợp trang trại điện mặt trời (Ảnh minh họa).
 
Theo đó, lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung rà soát để giúp cho các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.
 
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu và mong muốn đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời tại Quảng Bình. Trước thực tế đó, tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với Viện Năng lượng triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời với tổng công suất dự kiến đạt gần 1.200 MW trên địa bàn các xã Ngư Thủy Bắc, Sen Thủy, Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy); Nam Trạch, Lý Trạch, (huyện Bố Trạch) và các mặt hồ nước lớn trong tỉnh như: Bàu Sen, Bàu Bàng, Bàu Mía, Phú Vinh…
 
Trước đó, ngày 14/7/2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời 49,5 MW thuộc tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa. 
 
Dự án Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy có tổng mức đầu tư 55,6 triệu USD; trong đó vốn chủ sở hữu là 16,7 triệu USD, vốn vay 38,9 triệu USD. Đến nay, Công ty Dohwa đã hoàn thành một số hạng mục công việc, bao gồm: hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở đã được Bộ Công thương thẩm định phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết; ký hợp đồng mua, bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; rà phá bom mìn; đánh giá tác động môi trường; đánh giá hiện trạng rừng để lập phương án nộp quỹ trồng rừng thay thế, nộp bão lãnh thực hiện hợp đồng liên quan…
 
Dự kiến, trang trại điện mặt trời Dohwa với tổng công suất lắp đặt 49,5MWp, sản lượng điện là 77 triệu kWh/năm với hơn 150.000 tấm pin quang điện silic đa tinh thể, công suất mỗi tấm là 330Wp, tuổi thọ thiết bị là 25 năm và được lắp đặt trên hệ thống giàn, khung đỡ chịu lực kết hợp hệ thống Inverter hòa lưới điện quốc gia.
 
Được biết, với vai trò quản lý lưới điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ sớm xây dựng mới 01 TBA công suất 2x40MVA (giai đoạn 1 lắp 01 MBA ), đường dây 110kV dài 13,42km đấu nối từ thanh cái TBA 110kV Cam Liên đến TBA 110kV Lệ Thủy phục vụ việc đấu nối điện mặt trời vào lưới điện quốc gia khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
 
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình hiện đang phối hợp với Công ty Tư vấn Điện 3 triển khai lập quy hoạch phát triển điện gió với công suất dự kiến khoảng 1.160 MW trên địa bàn các xã Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh); Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Sen Thủy, Văn Thủy, Thái Thủy, Hồng Thủy, Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy); Dân Hóa (huyện Minh Hóa); Trung Trạch, Tây Trạch (huyện Bố Trạch). 
 
Đến nay, có 4 nhà đầu tư xin đăng ký thực hiện dự án điện gió tại Quảng Bình; trong đó, Dự án Cụm trang trại điện gió B&T được chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ khởi công trước ngày 10/10/2020.
 
Dự án Cụm trang trại điện gió B&T với tổng công suất 252MW, xây dựng tại các xã Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) có tổng mức đầu tư là 8.904 tỷ đồng, gồm 2 dự án là trang trại điện gió B&T1 có công suất 109,2 MW với kế hoạch vận hành vào tháng 12/2020 và trang trại điện gió B&T2, công suất 142,8 MW với kế hoạch vận hành tháng 6/2021. 
 
Diện tích đất khảo sát cho cụm điện gió B&T là 2.244 ha, trong đó có 156 ha là đất rừng trồng cây tràm của 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ triển khai dự án trang trại điện gió B&T1 có tổng công suất 109,2 MW bao gồm 26 turbine (công suất mỗi turbine là 4,2MW), các máy biến áp trung áp 0,72/35kV và thiết bị phụ trợ kèm theo; đường kính trụ quay 150m, chiều dài cánh là 73,66m và phần trụ quay được treo trên cột thép cao 125m.
 
Để truyền tải nguồn điện từ trang trại điện gió lên lưới điện 220kV (điểm mua bán điện), ngành điện cần phải xây dựng trạm biến áp nâng áp 35/220kV B&T1 và đường dây 220kV dài 18,28km; trạm cắt 220kV B&T đấu nối chuyển tiếp trang trại điện gió vào đường dây 220kV Đông Hà – Đồng Hới (mạch 1) hiện có.
 
Để khuyến khích phát triển ngành năng lượng tái tạo theo mục tiêu đề ra, ngoài các chính sách hỗ trợ của địa phương và ưu đãi chung của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Yên Bình