Thông tin đầu tư

Quảng Bình muốn có 1.000 MW điện tái tạo vào năm 2025

Thứ ba, 19/6/2018 | 11:05 GMT+7
Phát triển điện gió, điện mặt trời vẫn tồn tại một số rào cản pháp lý cũng như nhu cầu về năng lực cần được cải thiện, nâng cao.

Trong kế hoạch mới nhất, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, tỉnh này đang thu hút đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực: Điện gió, điện mặt trời; nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
 
Quảng Bình có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, cho biết, Quảng Bình đặt mục tiêu đạt 1.000 MW điện gió và điện mặt trời vào năm 2025.
 
Mục tiêu này, ông Nam cho là khả thi. Quảng Bình có trung bình từ hơn 1.600 đến gần 2.000 giờ nắng mỗi năm, cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm đạt khoảng 4,03 kWh/m2 và lượng gió đo được tại các vùng lập quy hoạch điện gió có vận tốc bình quân khoảng trên 5,5 đến 6,0 m/s.
 
Dù vậy, Quảng Bình cũng đã quy hoạch khoảng 1.200 héc ta đất sạch để phát triển điện gió và điện mặt trời. Giao thông tại các địa điểm dành phát triển năng lượng khá thuận lợi. Từ Đồng Hới vào khu vực triển khai dự án chỉ khoảng 30-40 phút ô tô.
 
Ngoài cơ chế chung của nhà nước, về thuế, nhân lực hay đất đai, tỉnh Quảng Bình cam kết có cơ chế riêng hỗ trợ đến “chân hàng rào” dự án về điện, đường và nước cho nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt,  tỉnh cam kết làm việc với Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN) về vấn đề nối lưới điện quốc gia.
 
Quảng Bình tuần trước đã ký một biên bản ghi nhớ với Tập đào Izala của Phillipines, một trong 5 Tập đoàn lớn nhất Phillippines và top 500 công ty lớn nhất thế giới, về hợp tác phát triển dự án điện gió 352 MW, tổng mức đầu tư khoảng hơn 490 triệu đô la Mỹ.
 
Cạnh đó, Dự án điện mặt trời của Tập đoàn Dohwa của Hàn Quốc, tổng công suất khoảng 49,5 MW, tổng mức đầu tư 55,6 triệu đô-la Mỹ, dự kiến được khởi công tại Quảng Bình vào tháng Tám tới. Trước đó, dự án này đã được Bộ Công thương bổ sung và Quy hoạch Điện 7.
 
Trong danh sách 48 dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh Quảng Bình, có 5 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng: Phát triển điện gió, điện mặt trời, điện dân dụng, thiết bị chiếu sáng… với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.
 
Với vai trò của một định chế tài chính, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc BIDV, cam kết, xem xét tạo điều kiện hỗ trợ thu xếp vốn tín dụng cho các nhà đầu tư có năng lực, uy tín với các dự án đầu tư có hiệu quả vào tỉnh Quảng Bình.
Theo: Nhịp cầu Đầu tư