Vùng biển xã Tam Quang, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) dự kiến đặt trạm tiếp bờ từ mỏ khí Cá Voi Xanh.
Sẵn sàng đón dự án
Từ năm 2009, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 117, 118, 119 trên vùng biển Việt Nam đã được các bên ký kết. Đến đầu tháng 3/2016, dự án tiến thêm bước quan trọng, khi tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, tạo cơ sở để PVN và các đơn vị thành viên tìm kiếm, triển khai các dự án, kể cả phát triển các dự án hợp tác thương mại, phân phối các sản phẩm dầu khí, hóa dầu trên địa bàn tỉnh.
Về phía địa phương, để chuẩn bị cho việc đầu tư các nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh và hình thành Trung tâm Điện khí Miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng 3.400 ha mặt bằng để khi dự án được cấp phép, nhà đầu tư có thể triển khai ngay.
Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, để xúc tiến dự án này, tỉnh Quảng Nam đã giao Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm việc nhiều lần với PVN và nhà đầu tư là Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ. Đến nay, Dự án đang đi đúng hướng, dù tiến độ triển khai chậm hơn so với yêu cầu của nhà đầu tư.
Quảng Nam đã thực hiện các yêu cầu mà nhà đầu tư đề nghị như: đặt trạm khí tượng thủy văn để nhà đầu tư chủ động về thời tiết trong quá trình triển khai dự án; tính toán đầu tư hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp, giữa nhà máy điện khí với các doanh nghiệp đầu tư sử dụng nguồn nhiên liệu khí để sản xuất; xây dựng các khu tái định cư để di dời dân, chuẩn bị giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã làm việc với Bộ Quốc phòng về chuyển phần diện tích đất quân đội sang phục vụ phát triển kinh tế. Tổng diện tích đã quy hoạch theo yêu cầu nhà đầu tư Dự án điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh khoảng 400 ha.
Cùng với chuẩn bị mặt bằng cho dự án, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đang tiến hành nghiên cứu trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 3.000 ha, thu hút các dự án đầu tư sau khí.
“Chúng tôi sẽ quy hoạch thuận lợi nhất cho việc đưa khí sạch từ nhà máy khí đến các khu công nghiệp, nhằm sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm sử dụng nhiên liệu khí để có giá thành cạnh tranh”, ông Diện cho biết.
Siêu dự án động lực
Theo nhà đầu tư khái toán ban đầu, chỉ riêng hệ thống khai thác, bơm khí, đưa khí thô vào bờ và xây dựng nhà máy khí để tách CO2 tạo ra khí sạch từ Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh đã có vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Bốn nhà máy điện từ khí, công suất 3.000 MW, dự kiến vốn đầu tư khoảng 7-8 tỷ USD nữa. Đây chưa phải là số vốn nhà đầu tư đã chốt.
“Để khai thác hiệu quả nguồn khí từ mỏ Cá Voi Xanh, đầu tháng 9/2016, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và UBND tỉnh Quảng Nam đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến Mỹ làm việc với Tập đoàn Exmobil, tìm hiểu về việc các mỏ khí tương tự trên thế giới sau khi đưa khí vào bờ thì sẽ xuất hiện những ngành công nghiệp gì. Đoàn công tác chú trọng tìm hiểu về vấn đề quy hoạch để tránh bất cập, đảm bảo thu hút đầu tư những dự án mang lại hiệu quả với giá trị cạnh tranh cao”, ông Đỗ Xuân Diện cho biết thêm.
Liên quan đến Dự án mỏ khí Cá Voi Xanh, trong những lần việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là dự án tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khi đưa vào khai thác, Dự án sẽ cung cấp nguồn khí thiên nhiên đặc biệt quan trọng, sử dụng cho các nhu cầu phát điện, hóa dầu, đồng thời là động lực phát triển các ngành công nghiệp, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động trong khu vực.
Mới đây nhất, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, để bảo đảm phát triển đồng bộ chuỗi Dự án khí mỏ Cá Voi Xanh, Chính phủ và Bộ Công thương sẽ chỉ đạo EVN, PVN sớm đạt được thỏa thuận khung về hợp đồng mua bán điện và xác định chủ đầu tư các nhà máy điện, cũng như xem xét để có cơ chế hợp lý đối với đầu tư nhà máy điện sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh.
Đồng thời, sẽ chỉ đạo sát sao để việc xây dựng các nhà máy điện bảo đảm đúng tiến độ, phù hợp với tiến độ khai thác của Dự án mỏ Cá Voi Xanh.
“Trong thời gian tới, nhà điều hành ExxonMobil và PVN cần tiếp tục nỗ lực để đạt được dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023, bảo đảm sự thành công của mỏ khí Cá Voi Xanh từ khâu thượng nguồn đến khâu hạ nguồn”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị.