Nhà máy điện mặt trời có diện tích 30 ha. Ảnh: Phạm Linh.
Chiều 26/4, Thiên Tân Group khánh thành Nhà máy điện mặt trời Mộ Đức ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Dự án có tổng vốn gần 900 tỷ đồng, diện tích 30 ha, công suất 19,2 MW.
Được khởi công từ tháng 8/2015, đây là dự án điện mặt trời đầu tiên trong nước được cấp phép, song bị kéo dài và không hoàn thành đúng kế hoạch. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân do trở ngại trong đền bù, giải phóng mặt bằng và chờ Chính phủ phê duyệt giá điện. Đến đầu năm nay, nhà máy mới được triển khai xây dựng và hoàn thành sau ba tháng thi công.
Nhà máy có 53.000 tấm pin, sử dụng công nghệ FTC Solar của Mỹ, với hệ thống giá đỡ xoay một trục với công nghệ cảm ứng thông minh, đưa tấm pin xoay theo ánh sáng mặt trời chiếu để tận dụng nguồn năng lượng tối đa trong ngày.
Được thiết kế chịu đựng đến bão cấp 18, nhưng khi bão đến cấp 14 thì các hệ thống thiết bị sẽ tự động khóa nhằm đảm bảo an toàn cho các tấm pin và các thiết bị liên quan.
Tháng 11/2017, Chính phủ đã có quyết định số 11 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Sau quyết định này, số lượng các dự án đã được phê duyệt và chờ phê duyệt tăng lên nhanh chóng.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương đến tháng 9/2018, hơn 120 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.
Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW). Con số này vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.
Các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nhiều Nhất là Ninh Thuận với 29 dự án, Khánh Hòa 10 dự án.
Theo: VnExpress