Đối với các dự án truyền tải điện miền Bắc, hiện nay Ban QLDA 1 triển khai 3 dự án, trong đó có 2 dự án giải tỏa nguồn thủy điện Tây Bắc. Cụ thể, TBA 500kV Lào Cai và đấu nối được khởi công ngày 21/4/2022, dự kiến hoàn thành sân phân phối 220kV và các đường dây 220kV đấu nối trong năm 2023, hoàn thành sân phân phối 500kV và lắp máy biến áp 500kV trong năm 2024.
Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên, theo kế hoạch khởi công trong quý I/2023 và hoàn thành quý IV/2024. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dự đang có vướng mắc liên quan đến công tác chuyển đổi mực đích sử dụng đất rừng nên có nguy cơ cao không đạt được tiến độ theo kế hoạch.
Dự án phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, Ban QLDA Điện 1 đang triển khai Dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam). Dự án được khởi công ngày 28/11/2021, kế hoạch hoàn thành trong quý III/2022.
Trong giai đoạn 2022-2025, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được giao khởi công 70 dự án và hoàn thành 76 dự án. Ngoài ra, EVNNPT cũng đang triển khai các dự án để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn sau 2025 (dự kiến khởi công 12 dự án và hoàn thành 33 dự án).
Hiện nay, việc triển khai các dự án truyền tải khu vực miền Bắc gặp một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai như: Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt nên một số dự án chưa có căn cứ để tiến hành các bước chuẩn bị dự án.
Theo Luật Đầu tư, các dự án lưới điện truyền tải (có sử dụng quỹ đất mới) đều phải xin chủ trương chấp thuận đầu tư của UBND cấp tỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ, EVNNPT đã trình UBND các tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án, tuy nhiên, nhiều tỉnh còn đang lúng túng trong thủ tục cấp phép.
Rất nhiều dự án gặp khó khăn liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Ngoài ra, công tác cắt điện gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ đóng điện của các dự án.
Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN – Phạm Hồng Phương cho biết công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải sẽ gặp rất nhiều thách thức, chính vì vậy đòi hỏi mỗi đơn vị cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, bám sát các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các dự án. Trong đó các đơn vị cần chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án để có thể trình ngay các cấp có thẩm quyền sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.
Trong quá trình khảo sát, thiết kế dự án, yêu cầu các đơn vị phối hợp với tư vấn khảo sát kỹ, tránh trường hợp khi thi công phát sinh thêm các vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, điều chỉnh hướng tuyến, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Yêu cầu đơn vị tư vấn lập phương án cắt điện thi công phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điều độ để bố trí lịch cắt điện.
Đối với các dự án giải tỏa nguồn điện, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương yêu cầu các đơn vị cần rà soát tiến độ chi tiết, cụ thể, từng hạng mục để có kế hoạch thi công cho phù hợp nhằm đáp ứng đúng tiến độ đề ra.