Nhiều sáng tạo của PC Quảng Trị đạt giải cao trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị qua các năm.
Luôn sáng tạo
Người viết khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời của anh Nguyễn Xuân Thủy (33 tuổi, chuyên viên Phòng Kỹ thuật - Công ty Điện lực Quảng Trị) khi hỏi anh về lý do đam mê sáng tạo. “Các đề tài sáng tạo mà tôi hướng đến phần nhiều là tự động hóa. Đại loại, chúng tôi đang quản lý vận hành các công việc thủ công nhưng vì tôi muốn mọi thứ phải được tự động. Tất cả chỉ cần một cái enter là xong thay vì các thao tác rườm rà nên phải vắt óc ra nghĩ cách để khỏi phải nhọc công”, anh Thủy nói.
Trong vỏn vẹn 10 năm công tác tại Công ty Điện lực Quảng Trị, anh Thủy đã có 8 sáng kiến cấp công ty, 3 lần liên tiếp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị. Ngoài các sáng kiến tự động hóa, anh cũng quan tâm đến các giải pháp về vật liệu. Trong đó, sáng tạo “Giải pháp đấu nối dây bọc trung thế” được áp dụng tại công ty từ năm 2020, áp dụng toàn Tổng công ty Điện lực miền Trung vào năm 2021.
Những “cây sáng tạo” của PC Quảng Trị, rất trẻ và sáng sủa.
Trong khi đó, anh Lê Văn Minh (33 tuổi) cho biết anh từng có 5 năm làm việc cho Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) trước khi về “đầu quân” về Phòng Viễn thông và công nghệ thông tin - Công ty Điện lực Quảng Trị từ năm 2020. Lý giải việc chỉ 3 năm công tác mà tham gia vào 7 ý tưởng sáng tạo, Minh cho biết chính bởi địa bàn Quảng Trị còn…nhiều khó khăn. “Điều kiện làm việc ở Quảng Trị không “sướng” như ở các thành phố lớn. Nhưng những khó khăn của đơn vị là môi trường để thúc đẩy sự sáng tạo. Làm sao để có những sản phẩm khắc phục khó khăn luôn ở trong đầu chúng tôi. Nhất là khi tôi là một kỹ sư phần mềm, việc của tôi là phải tạo ra các ứng dụng công nghệ, là cầu nối để từ ý tưởng kỹ thuật ra với thực tế”, Minh lý giải.
Minh cũng tỏ ra khá tự hào khi khoe rằng, anh đã góp một phần công sức cho đề tài “Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát hiện các nguy cơ mất an toàn lưới điện từ hình ảnh/video thu thập của Drone/UAV từ nhiệm vụ bay” vừa đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất) tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ 10 (2022-2023).
Còn với Hồ Ngọc Chiến (35 tuổi, chuyên viên Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Trị), anh không có nhiều sáng tạo nhưng “cái nào ra cái nấy”. Ví dụ như đề tài “Ứng dụng phân kỳ ghi chỉ số” của anh không những được áp dụng tại Công ty Điện lực Quảng Trị mà còn được áp dụng trên toàn Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Chàng trai trẻ Trần Quốc Tiến (Phòng Điệu độ Công ty Điện lực Quảng Trị) được vinh danh là người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2023 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Là “em út” với tuổi đời khá trẻ (27 tuổi, Điều độ viên Phòng Điều độ Công ty Điện lực Quảng Trị), Trần Quốc Tiến cũng đã có trong tay 2 sáng kiến được ghi nhận chỉ sau 3 năm công tác. “Những sáng tạo của tôi đều hướng đến thực tế, làm sao cho công việc hàng ngày được hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian làm việc cho bản thân và đồng nghiệp”, Tiến chia sẻ.
Xây dựng tập thể sáng tạo
Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị Phan Văn Vĩnh cho rằng, công việc của ngành điện nói chung là môi trường tốt để thúc đẩy sự sáng tạo: “Công việc của chúng tôi trải rộng nhiều địa bàn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tác động đến nội bộ công ty và cộng đồng xã hội. Rất nhiều vấn đề về sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng cần được thay đổi để ngày mỗi tốt hơn, nhanh chóng và an toàn hơn, phục vụ khách hàng chu đáo hơn…đòi hỏi mọi người luôn động não để suy nghĩ những cách làm mới”.
Ông Phan Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị cho biết đơn vị đang nỗ lực xây dựng tập thể sáng tạo.
Giám đốc Phan Văn Vĩnh cho rằng đơn vị mình đã có truyền thống sáng tạo từ những ngày thành lập đến nay bởi “cái khó thường ló cái khôn”. Trong những điều kiện còn ngặt nghèo, cán bộ công nhân viên đơn vị đã rút ngắn thời gian tư duy (nghỉ) tới hành động (làm).
Ông Vĩnh cũng cho rằng vai trò của lãnh đạo đơn vị, những “đầu tàu” có ý nghĩa lớn trong hoạt động sáng tạo của tập thể. Là một người có rất nhiều ý tưởng sáng tạo sau 30 năm làm việc trong ngành điện, ông Vĩnh nhấn mạnh rằng lãnh đạo cần “kích thích” sáng tạo trong đơn vị bằng cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cấp dưới bằng sự tin tưởng: “Sự hỗ trợ không đến từ …nói suông mà còn cả những hành động, những khen thưởng về vật chất, sự cất nhắc vị trí công việc cao hơn với những người có sáng tạo hiệu quả”.
Công ty Điện lực Quảng Trị đã tạo ra môi trường sáng tạo tốt cho cán bộ công nhân viên.
Trong tương lai, theo người đứng đầu của Công ty Điện lực Quảng Trị, để duy trì phát huy tinh thần “tập thể sáng tạo” đơn vị còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cần tiếp tục tập trung sáng tạo những xu hướng đã có và là thế mạnh của đơn vị; Tiếp tục ra những “đề bài” cho cán bộ, người lao động về những lĩnh vực có khả năng ứng dụng đổi mới; Phát động phong trào sáng tạo bề rộng, để mỗi người trong đơn vị đều có những ý tưởng của mình nhưng tránh bệnh hình thức; Tạo nguồn quỹ riêng để hỗ trợ, khen thường tạo động lực mạnh mẽ cho những sáng kiến…