Sản xuất điện từ rêu?

Thứ sáu, 23/6/2017 | 13:44 GMT+7
Một nhóm nghiên cứu tới từ đại học Cambridge đã cho ra đời một loại tường rêu với khả năng cung cấp điện cho các thiết bị thiết yếu của cuộc sống.
 

Gạch nung rỗng có chứa rêu.
 
Trong khi công nghệ sản xuất điện sinh học từ tảo biển vẫn còn hạn chế, vì lý do chi phí dành cho công nghệ đó vô cùng lớn, nhân công và khoa học kỹ thuật còn gặp nhiều rào cản tại nhiều quốc gia. Một nhóm các nhà nghiên cứu tới từ đại học Cambridge đã công bố một loại tường rêu xanh, có khả năng tạo ra điện với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với những loại điện sinh học khác.
 
Các sinh viên của khoa IAAC cùng với nhà sinh vật học Paolo Bombelli đã đề xuất một hệ thống gồm các diện tường sử dụng năng lượng điện từ từ thực vật, mà cụ thể ở đây là rêu.
 
Sản phẩm bao gồm hàng loạt những modul gạch nung làm rỗng có chứa rêu, sử dụng công nghệ BPV ( Biophotovoltaics - công nghệ mới trong sản xuất điện sinh học ). Nhóm nghiên cứu nói rằng: "Nó, tường rêu xanh, rẻ hơn, dễ vận hành hơn, bảo dưỡng dễ dàng hơn và tuổi thọ cao hơn so với những công nghệ điện sinh học trước đó".
 
Hệ thống sinh ra điện nhờ một loại vi khuẩn sống cộng sinh với rêu. Khi rêu quang hợp, một số hợp chất hữu cơ được giải phóng thông qua bộ rễ của chúng xuống mặt đất. Vi khuẩn cộng sinh ăn những hợp chất hữu cơ đó và tiếp tục sản sinh ra những sản phẩm phụ, một trong số đó là các electron tự do.
 
Đất để trồng rêu được trộn hỗn hợp hydrogel và các sợi carbon. Đất hoạt động như một cực dương, thu hút các electron tự do, tương tác và tạo ra điện năng. Nguyên mẫu của công nghệ này có thể tạo ra 3 Volt điện từ 16 Modults, không nhiều nhưng cũng đủ cung cấp cho một số nhu cầu thiết yếu. Ví dụ như việc cung cấp điện để thắp sáng một số bóng đèn của một tòa nhà.
 
Các nhà nghiên cứu khẳng định, hệ thống hoạt động cực tốt ở khu vực Bắc bán cầu, nơi có hệ rêu mốc phát triển rất mạnh.
 
Những viên gạch được thiết kế với lỗ rỗng sâu, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời. Nước và độ ẩm được duy trì liên tục, phần đế của viên gạch được làm bằng thủy tinh nhằm hạn chế tối đa sự mất nước, tạo môi trường thuận lợi cho rêu phát triển mạnh.
 
Với một số diện tích được đề xuất, những nhu cầu thiết yếu như thắp sáng hay sạc điện xe điện đều có thể được đáp ứng.
 
Tuy rêu không phải loại thực vật duy nhất có thể tạo ra điện năng từ công nghệ này, nhưng đó lại là thực vật rẻ nhất, dễ phát triển và mở rộng.
 
Các nhà nghiên cứu hy vọng, bằng sự nỗ lực và chi phí hợp lý, công nghệ tường rêu phát điện sẽ đóng góp không nhỏ vào việc cung cấp năng lượng xanh trong tương lai gần.
Theo: Thời đại