Nhân viên Điện lực TP Hạ Long tuyên truyền, giới thiệu các dịch vụ cung cấp điện trực tuyến cho người dân TP Hạ Long.
Ngày 9/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) chính thức khai trương, trở thành đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tại tất cả các địa phương. Chỉ sau 15 ngày, Quảng Ninh đã là địa phương đầu tiên đưa 12/12 dịch vụ điện kết nối lên Cổng DVCQG. Đây được cho là một bước tiến lớn của ngành Điện trong cải cách các TTHC.
Chị Bùi Thị Nhung (Khu đô thị Monbay, TP Hạ Long) cho biết: Thay vì đến các trung tâm hành chính công như trước, tôi chỉ cần lên mạng, truy cập địa chỉ www.dichvucong.gov.vn là có thể đăng ký các dịch vụ điện thiết yếu. Tất cả các khâu từ khảo sát đến ký hợp đồng mua bán điện… đều được thực hiện trên giao dịch điện tử. Đặc biệt, khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCQG, thông tin người dùng đã được xác thực và định danh, nên một số hồ sơ, thủ tục của khách hàng đều được đơn giản hóa, đã giúp giảm đáng kể thời gian thực hiện các giao dịch cũng như việc chuẩn bị hồ sơ cho khách hàng.
Từ những tiện ích mang lại qua Cổng DVCQG, số lượng khách hàng đăng ký các dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh đã tăng mạnh mẽ. Từ năm 2020 đến nay có gần 15.000 khách hàng đăng ký điện mới, trong đó gần 6.000 khách hàng đăng ký các dịch vụ cấp điện mới qua Cổng DVCQG, trên 2.600 khách hàng đăng ký qua website cskh.npc.com.vn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Khách hàng ở TP Móng Cái tiến hành tra cứu các dịch vụ của ngành Điện và thanh toán tiền điện trực tuyến.
Cùng với triển khai các dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4, Công ty Điện lực Quảng Ninh đang huy động tối đa nhân lực cho việc thực hiện số hóa 100% hợp đồng mua bán điện sinh hoạt cho trên 438.000 khách hàng. Việc đưa thông tin khách hàng lên dữ liệu giúp ngành Điện thuận tiện trong quản lý và xử lý sự cố. Kết hợp với việc chăm sóc qua tin nhắn SMS, Zalo..., khách hàng dễ dàng tham gia, theo dõi và giám sát các hoạt động của ngành Điện. Dịch vụ này cũng giúp ngành Điện không thất lạc hồ sơ, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin để sớm hoàn thiện các thủ tục khi sử dụng các dịch vụ của ngành Điện như: Cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; thanh toán tiền điện; thay đổi công suất sử dụng điện, thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha… Đến thời điểm này, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã thực hiện số hóa khoảng 50% hợp đồng mua bán điện.
Để mang lại tiện lợi cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phối hợp với các ngân hàng và 8 tổ chức trung gian. Thủ tục đăng ký đơn giản, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian…, nên tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt năm 2020 của Công ty đã đạt gần 92% (vượt kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao). Hiện việc tra cứu, thông báo chỉ số tiêu thụ điện, hóa đơn cũng được công ty triển khai qua website, Zalo và tin nhắn SMS đến số thuê bao điện thoại khách hàng đăng ký.
Nhờ việc số hóa các dịch vụ điện nên chỉ số tiếp cận điện năng của Công ty trung bình đạt 3,21 ngày làm việc (giảm gần 2 ngày làm việc so với kế hoạch được giao); tỷ lệ cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt gần 80%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử đạt 78%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, hành chính công các cấp, Cổng DVCQG đạt 100%. Kết quả này đã đưa Công ty Điện lực Quảng Ninh dẫn đầu các chỉ tiêu kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Ông Vũ Đình Tân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, công ty tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng chuyển đổi số trong việc ghi chỉ số và tính hóa đơn tiền điện, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng.