Quản lý năng lượng

Sớm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng

Thứ tư, 8/2/2017 | 15:10 GMT+7
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTKHQ) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17-6-2010, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong sử dụng năng lượng ở nước ta. 
Công nhân Công ty Ðiện lực Ðắk Nông lắp mới bóng đèn compact tiết kiệm điện cho người dân xã Ðắk Buk So, huyện Tuy Ðức.

Sau sáu năm triển khai, công tác tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, cần sự nỗ lực của các cấp, ngành để Luật này thật sự đi vào cuộc sống.

Nhiều kết quả tích cực
 
Cùng với sự ra đời của Luật  sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (SDNLTKHQ), một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được khẩn trương xây dựng, ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, bảo đảm tính thực thi và có hiệu lực cao trong lĩnh vực SDNLTKHQ. Tính đến nay, hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành ở cấp Trung ương, 30 bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu áp dụng cho các nhóm thiết bị mục tiêu, kèm theo phương pháp thử nghiệm; 09 quyết định về việc chỉ định 09 cơ sở thử nghiệm hiệu suất năng lượng và 16 văn bản hướng dẫn tác nghiệp đã được ban hành. Luật đã tạo được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao nhận thức và thực thi các giải pháp SDNLTKHQ; tạo hành lang thông thoáng cho các kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước. Ðiều cơ bản và giá trị nhất là Luật đã giúp đạt được mục tiêu về tiết kiệm năng lượng  trong giai đoạn 2011-2015.
 
Theo Viện Năng lượng (Bộ Công thương), tổng tiêu thụ năng lượng năm 2015 đạt khoảng hơn 54,08 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tương ứng cường độ năng lượng 439 kg TOE/1.000USD GDP. Mặc dù cường độ năng lượng của nước ta đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2011 - 2015, tuy nhiên con số này vẫn là mức rất cao so khu vực và thế giới (cao hơn 1,4 lần so Ma-lai-xi-a, năm lần so Nhật Bản). Theo đánh giá của Bộ Công thương, các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTKHQ chỉ thật sự sôi động và có tính đột phá sau khi Luật SDNLTKHQ và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được xây dựng và ban hành. Nhiều rào cản đã được gỡ bỏ, chủ yếu về mặt thể chế để Chương trình phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn này: ngành thép giảm 8,09%, xi-măng giảm 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%...

Mô hình bình nước nóng năng lượng mặt trời được triển khai áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả tiết kiệm điện lớn. Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTKHQ cùng với sự đồng hành của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã hỗ trợ triển khai lắp đặt khoảng 110.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình (hỗ trợ 1 triệu đồng/mô hình). Tính đến hết năm 2015, theo khảo sát của EVN, trên toàn quốc có khoảng 700.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình đã được lắp đặt và sử dụng, tiết kiệm khoảng 1 tỷ kW giờ/năm, tương đương 1.600 tỷ đồng. Việc loại bỏ bóng đèn sợi đốt công suất từ 60W trở lên được triển khai thành công từ năm 2013. Số lượng bóng đèn sợi đốt tiêu thụ hằng năm giảm mạnh từ 50 đến 55 triệu bóng năm 2011 xuống chỉ còn dưới năm triệu bóng năm 2015. Lượng điện năng tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ kW giờ/năm, tương đương việc xây dựng thêm một nhà máy nhiệt điện công suất khoảng 300MW.
 
Ðể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất và nhập khẩu các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, cuối tháng 12-2016, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT sửa đổi Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng theo hướng bớt các thủ tục hành chính, giảm thời gian đăng ký và chi phí cho DN trong việc thực hiện dán nhãn năng lượng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các sản phẩm hàng hóa sau khi đưa ra thị trường.
 
Cần nhiều nỗ lực hơn nữa
 
Luật SDNLTKHQ đã để lại dấu ấn tích cực đối với toàn xã hội, hiệu quả của Chương trình  tiết  kiệm năng lượng (TKNL) đã khẳng định việc ban hành Luật là kịp thời, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Luật vẫn chưa thật sự toàn diện, bền vững, một số khó khăn vẫn tồn tại như: việc tuân thủ Luật còn chưa nghiêm, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã ban hành. Nhận thức của cộng đồng và các DN còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận thông tin về công nghệ và các giải pháp TKNL. Việc triển khai Quyết định số 68/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục, phương tiện, thiết bị TKNL được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế. Hoạt động SDNLTKHQ trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp còn nhiều hạn chế, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm toán năng lượng chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. Các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực SDNLTKHQ còn chưa đồng bộ, DN có vốn hoặc chưa tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL.
 
Từ những kết quả và cả những tồn tại nêu trên, để nâng cao vai trò của Luật SDNLTKHQ trong mọi mặt đời sống xã hội, phát triển bền vững đất nước, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật, Bộ Công thương vừa qua đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức biện pháp thực hiện, chế độ giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực thi Luật trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình. Tăng cường tính bắt buộc trong việc tuân thủ các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng, nhất là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
 
Bổ sung nội dung quy định về việc tổ chức dịch vụ tư vấn năng lượng bao gồm mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), tạo hành lang pháp lý cho mô hình này phát triển ở nước ta. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc SDNLTKHQ; quy định trách nhiệm giám sát, đánh giá và báo cáo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị này trong việc thực hiện kế hoạch SDNLTKHQ. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng trong việc quản lý các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Xem xét, phê duyệt Chương trình quốc gia về SDNLTKHQ trong giai đoạn tới, làm đòn bẩy và công cụ hữu hiệu cho việc triển khai thành công Luật này. Ðiều chỉnh giá điện hợp lý, giảm dần việc trợ giá, tránh bù chéo trong biểu giá điện.
 
Bộ Công thương ước tính, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cả giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,65%, tương đương 11,261 triệu tấn dầu quy đổi (TOE); giai đoạn 2012 - 2015 đạt 6,18%, tương đương 10,101 triệu TOE. Sự thành công của Chương trình TKNL thể hiện ở chỗ, 85% số người dân đã biết và hiểu về vấn đề TKNL thông qua truyền thông cộng đồng, hiểu biết lợi ích TKNL của các sản phẩm, hàng hóa TKNL.
Theo: Báo Nhân dân