Ông Vàng Sun Choi, người dân thôn Trát 1, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) vận hành máy xay xát bằng nguồn điện 3 pha.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án này cũng gặp không ít vướng mắc liên quan đến các thủ tục về kế hoạch sử dụng đất, thỏa thuận và cấp phép thi công công trình, áp giá hỗ trợ ổn định đời sống khi thu hồi đất... cần được các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.
Cách đây hơn 3 năm, ngày 19-5-2020, gần 150 hộ dân ở thôn Trát 1 và Trát 2 thuộc thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) được chung niềm vui hòa lưới điện quốc gia. Từ đó đến nay, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Bất kể ngày mưa bão hay nắng hạn, bà con vẫn có điện để dùng. Phần lớn các gia đình ở hai thôn đều đã có tủ lạnh, nồi cơm điện, ti vi.
Ông Phàn Phù Xênh, người dân thôn Trát 2, nhớ lại: “Trước đây, chúng tôi sử dụng điện từ máy phát điện mi-ni đặt ở các con suối, 3-4 nhà chung nhau một máy. Điện này chủ yếu để thắp sáng. Lúc nắng hạn không có nước chạy máy, khi mưa lũ thì rác cuốn về khiến máy không chạy được nên không có điện để dùng. Hơn nữa, máy hay bị hỏng vặt, mỗi lần sửa cũng mất vài trăm nghìn. Mỗi lần làm nhà hay cần xẻ gỗ, cắt thép, hàn xì... bà con phải mang ra thị trấn, rất bất tiện vì phải chở cồng kềnh mà đường đi thì khó khăn. Từ khi có điện lưới, mọi sinh hoạt, công việc tiện lợi hơn. Cần làm gì thì gọi điện cho thợ mang máy đến, cắm điện làm luôn tại nhà”. Còn ông Vàng Sun Choi, người dân thôn Trát 1 chia sẻ: “Có điện lưới là tôi mua máy xay xát điện 3 pha luôn vì có tuổi rồi, không đủ sức để quay máy nổ mấy lần/ngày nữa. Giờ chỉ cần gạt cầu dao là xong. Nhà tôi còn mua thêm hai tủ đông để tiện bán hàng tạp hóa phục vụ bà con”.
Nhớ lại những ngày thi công dự án đưa điện lưới quốc gia về thôn Trát 1 và Trát 2, ông Phạm Văn Trọng, Phó trưởng ban Quản lý dự án (PC Lào Cai) vẫn không quên đó là những ngày khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thêm vào đó, địa hình thi công rất phức tạp, hầu hết việc vận chuyển thiết bị, vật tư đều bằng các biện pháp thủ công, dựa vào sức người, dùng tời để kéo cột và dây, mất nhiều công sức. Tuy thế, quá trình triển khai dự án, được người dân ủng hộ, tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công nên đã tiếp thêm động lực cho chủ đầu tư và các nhà thầu nỗ lực gấp đôi so với nhiều dự án khác. “Không phải dự án nào chúng tôi cũng có được thuận lợi này. Nguyên nhân xuất phát từ phong tục, tập quán và đặc biệt là do du lịch ở Lào Cai phát triển đẩy giá đất lên cao. Ngoài ra, còn một số khó khăn, vướng mắc khác”, ông Phạm Văn Trọng chia sẻ thêm.
Theo đó, Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 9-4-2015 của UBND tỉnh Lào Cai quy định, ngoài việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với giá trị bằng 300% trị giá đất bị thu hồi, các hộ bị thu hồi dưới 30% đất nông nghiệp, bị ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất còn được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất với mức 600.000 đồng/khẩu/tháng trong vòng 3 tháng. Trên thực tế, sau khi chôn cột điện, bà con vẫn có thể trồng hoa màu trên phần đất xung quanh do móng cột đã được chôn sâu dưới đất, chỉ có diện tích khu vực chân cột điện là không thể canh tác, nhưng phần diện tích này rất nhỏ, khoảng 0,12m2/vị trí cột điện. Như vậy, quy định hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho người bị thu hồi dưới 30% đất nông nghiệp là bất cập và quá lớn đối với công trình điện có mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định “công trình lưới điện cao áp bao gồm lưới điện cao áp và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, áp dụng cho lưới điện có điện áp danh định từ 6kV trở lên”. Trong khi đó, Thông tư số 39/2015/TT-BCT và 25/2016/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương lại quy định “trung áp là cấp điện áp danh định trên 1kV đến 35kV”. Vì vậy, quá trình xin chấp thuận và cấp phép giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) chỉ căn cứ theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP và không thể chấp thuận cho công trình có cấp điện áp 10kV, 22kV, 35kV được lắp đặt vào cầu nằm trên đường quốc lộ, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thi công. Điển hình là cầu Cốc Lếu tại TP Lào Cai nằm trên Quốc lộ 4D nên không thể lắp đặt cáp ngầm 35kV để cấp điện cho hai bên bờ sông Hồng ngay tại khu vực biên giới cần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Để thống nhất vấn đề này, rất cần xem xét lại quy định tại các văn bản trên để thống nhất cấp điện áp danh định làm cơ sở cho việc chấp thuận và cấp phép thi công các công trình có cấp điện áp như trên.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc PC Lào Cai cho biết thêm: “Ngoài những khó khăn, bất cập trên, quá trình triển khai các dự án điện trên địa bàn, chúng tôi còn gặp vướng mắc về kế hoạch sử dụng đất; thủ tục đo đạc địa chính... PC Lào Cai đã tổng hợp, báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai xem xét, kiến nghị với Quốc hội, UBND tỉnh tháo gỡ, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa các dự án điện được giao danh mục đầu tư, quản lý đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và nhu cầu sinh hoạt của người dân”.
Link gốc