Sửa chữa, bảo dưỡng tại các trạm biến áp để bảo đảm cấp điện ổn định.
Tháng 7 vừa qua, gia đình chị Hoàng Thị Việt ở phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn thấy tiền điện của gia đình tăng hơn 200 nghìn đồng so với tháng trước. Chị đem thắc mắc này hỏi Điện lực thành phố Bắc Kạn thì được bộ phận chăm sóc khách hàng của đơn vị kiểm tra chỉ số công tơ của gia đình chị trong tháng 7 trên hệ thống quản lý điện tử. Số liệu về lượng điện gia đình chị sử dụng được thể hiện chi tiết từng ngày, giờ, phút trên bảng thống kê điện tử. Chị còn được cán bộ hướng dẫn tải phần mềm chăm sóc khách hàng của ngành điện trên điện thoại. Với phần mềm này khách hàng hoàn toàn chủ động theo dõi chỉ số điện năng từng ngày, hóa đơn tiền điện từng tháng, kiểm soát sản lượng điện sử dụng để chủ động, sử dụng điện hợp lý, hiệu quả, không để hóa đơn “nhảy bậc”… hoặc kịp thời phát hiện chỉ số tăng đột biến do rò rỉ, chạm chập đường dây sau công tơ. Chị Việt không còn thắc mắc gì đối với việc hóa đơn tiền điện của gia đình tăng trong thời gian qua.
Ông Ngô Hải Linh- Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Bắc Kạn cho biết: Sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh trong các tháng nắng nóng đều tăng cao so với cùng kỳ đặc biệt là các thành phần điện quản lý tiêu dùng. Cụ thể, điện thương phẩm tháng 5/2023 tăng 13,95% so với cùng kỳ; tháng 6/2023 tăng 8,65% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, nhu cầu, thời gian sử dụng điện ở các hộ gia đình tăng, nhất là các thiết bị làm mát phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Như vậy, dù hộ gia đình không tăng thêm thiết bị điện nhưng tăng thời gian sử dụng dẫn đến tăng sản lượng điện tiêu thụ.
Cũng theo ông Linh, tất cả các ý kiến, phản ánh đều được Điện lực các huyện, thành phố kiểm tra và giải đáp thắc mắc thỏa đáng cho khách hàng. Tổ chức kiểm tra, phúc tra chỉ số đối với các khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Thiết lập chế độ cảnh báo tăng/giảm sản lượng từ 30% trở lên trên thiết bị ghi chỉ số cầm tay để kiểm soát chất lượng GCS tại hiện trường.
Khi thu thập chỉ số nếu phát hiện sản lượng tăng/giảm bất thường, phải thông báo ngay cho khách hàng biết để phối hợp kiểm tra xử lý và giải đáp cho khách hàng kịp thời. Bổ sung 02 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện. Theo đó khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính và lập hoá đơn.
Sử dụng công tơ điện tử dùng cho bán điện sẽ không còn cảnh công nhân trèo cột điện đọc và ghi chỉ số điện mà số liệu sử dụng điện của từng khách hàng được chuyển từ các thiết bị đo xa về bộ phận quản lý nhanh chóng, chính xác.
Những năm vừa qua, Công ty Điện lực Bắc Kạn luôn tích cực và chủ động trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh đặc biệt là công tác ghi chỉ số công tơ.
Hiện nay đơn vị quản lý trên 97.000 khách hàng mua điện. Ở thời điểm hiện tại, việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện đang được thực hiện qua 02 loại thiết bị là công tơ cơ và công tơ điện tử. Trong đó, công tơ điện tử chiếm 82%, công tơ cơ chiếm 18%. 100% TBA chuyên dùng lắp hệ thống đo xa. Tiến tới năm 2024 sẽ lắp đặt toàn bộ thiết bị công tơ điện tử, trừ những địa bàn khó khăn không có sóng 3G, 4G.
Việc lắp đặt công tơ điện tử có đo xa đã đem lại rất nhiều lợi ích đối với khách hàng và ngành Điện, đó là xây dựng một hệ thống thu thập thông số từ xa với khả năng tự động hóa hầu hết các thao tác, từ ghi chỉ số, phân tích và truyền số liệu theo nhu cầu quản lý. Toàn bộ quy trình, từ khâu ghi chỉ số đến in hóa đơn, số liệu được truyền tự động đều không có sự can thiệp thủ công nên hạn chế được sai sót. Công tơ điện tử giúp khách hàng có thể theo dõi được tình hình sử dụng điện, điện năng tiêu thụ hằng ngày thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng cài trong điện thoại hoặc thiết bị số...
Có thể thấy, việc triển khai hệ thống công tơ điện tử đo xa là bước chuyển mình nhanh chóng trong cách tiếp cận công tác quản lý, vận hành hệ thống điện, từ việc chuyển đổi mô hình thủ công sang tự động trong công tác thu thập số liệu đến việc xử lý, phân tích các dữ liệu có được. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, hướng tới sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của EVN, trong đó có Công ty Điện lực Bắc Kạn.
Link gốc