Sử dụng điện mặt trời là khai thác hiệu quả vốn đầu tư, góp phần bảo vệ môi trường

Thứ tư, 23/9/2020 | 14:50 GMT+7
Tại Vĩnh Long, một số dự án điện mặt trời đã được triển khai, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân.
ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI TẠI VĨNH LONG
Sử dụng điện mặt trời là khai thác hiệu quả vốn đầu tư, góp phần bảo vệ môi trường
 
Để nắm rõ hơn những lợi ích cũng như các vấn đề cần quan tâm khi tham gia đầu tư khai thác điện mặt trời, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Cù Tấn Tài- Phó Giám đốc kinh doanh thuộc Công ty Điện lực Vĩnh Long- xoay quanh lĩnh vực này.
 
PV: Thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Vĩnh Long hiện có các dự án điện mặt trời nào đã được triển khai, thưa ông?
 
Ông Cù Tấn Tài: Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020. Theo đó, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) áp dụng trong năm 2020 là 1.940 đ/kWh. Kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam (tính đến hàng đơn vị đồng, không làm tròn số) tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.
 
Giá mua điện quy định được áp dụng trong 20 năm kể từ ngày dự án vào vận hành thương mại. Hiện Công ty Điện lực Vĩnh Long đã ký thỏa thuận đấu nối 8 dự án với tổng công suất khoảng 28 MW, gồm: Công ty Tỷ Xuân 12 MW, Công ty Tỷ Bách 7 MW, Công ty TNHH DV- TM Phước Thành 4 MW, Công ty Thanh Trúc 1 MW, Công ty Hợp tác phát triển Năng lượng tái tạo VI-JA 1 MW, Công ty TNHH Kỹ thuật điện Ánh Sáng Xanh 1 MW, Công ty TNHH XD và Phát triển An Thịnh 1 MW, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩnh Long 1,3 MW. Dự kiến, các dự án này sẽ đóng điện vận hành thương mại trong quý IV/2020.
 
* Hiện hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng đang được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, xin ông cho biết thủ tục thực hiện như thế nào và những lợi ích khi đầu tư vào lĩnh vực này?
 
Ông Cù Tấn Tài: Để thực hiện bán điện mặt trời mái nhà cho điện lực, người dân cần thực hiện những thủ tục sau: chủ đầu tư đăng ký nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà với điện lực để được khảo sát về khả năng đấu nối vào lưới điện của hệ thống nhằm đảm bảo hiệu quả khi đầu tư; cung cấp thông tin về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt, mã khách hàng sử dụng điện để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.
 
Trước 3 ngày so với ngày dự kiến hoàn thành lắp đặt hệ thống, chủ đầu tư gửi bộ hồ sơ đề nghị bán điện cho điện lực như sau: giấy đề nghị bán điện, hồ sơ kỹ thuật gồm tài liệu kỹ thuật về tấm pin quang điện, bộ inverter; giấy chứng nhận xuất xưởng/chứng nhận chất lượng thiết bị của nhà sản xuất. Ngành điện sẽ hỗ trợ tư vấn miễn phí về điện mặt trời mái nhà, lắp đặt hoặc thay thế miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều, chi trả tiền mua điện cho khách hàng từng tháng.
 
Về lợi ích, người sử dụng chỉ tốn chi phí đầu tư lần đầu, không tốn tiền mua nhiên liệu đầu vào và không gây tiếng ồn trong suốt quá trình sản xuất điện; giảm đáng kể lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng của gia đình, đơn vị và giảm mức giá điện cao do lũy tiến bậc thang, giờ cao điểm. Qua đó, khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư của gia đình từ tiền bán điện dư cho điện lực.
 
Đối với xã hội, nguồn năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm được một lượng điện năng tiêu thụ rất lớn cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần ổn định nguồn cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải và phân phối điện nên tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư nguồn điện, lưới điện. Ngoài ra, năng lượng mặt trời còn là nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nên sẽ góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
 
PV:  Đến nay, Vĩnh Long có bao nhiêu tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời và ông có lời khuyên gì với những người đang muốn đầu tư?
 
Ông Cù Tấn Tài: Tính đến ngày 15/9/2020, Vĩnh Long có 790 khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 8.850 kWp. Trong đó, có 661 khách hàng sinh hoạt với công suất 4.384 kWp, 129 khách hàng ngoài sinh hoạt với công suất 4.466 kWp.
 
Có thể nói, với đặc điểm thời tiết khí hậu trên địa bàn Vĩnh Long nói riêng và miền Nam nói chung rất thuận lợi cho việc lắp đặt điện mặt trời như: số giờ nắng trung bình trong ngày kéo dài từ 8-10 giờ, năng lượng bức xạ mặt trời đạt khoảng 5kW/h/m2 cùng với cơ chế khuyến khích về giá điện mặt trời Chính phủ vừa ban hành đã mang lại hiệu quả đầu tư khá cao so với nhiều lĩnh vực khác như thời gian thu hồi vốn ngắn, chỉ từ 4- 6 năm và thời gian thụ hưởng khai thác sau khi hoàn vốn của hệ thống kéo dài từ 14-16 năm. Do đó, rất đáng để chúng ta đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Tuy nhiên, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, chủ đầu tư cần tìm hiểu công suất nào là phù hợp với mái nhà của mình. Tấm pin quang điện và bộ inverter là những phần quan trọng giúp hệ thống vận hành hiệu quả nên cần chọn sản phẩm chất lượng từ những nhà sản xuất có uy tín để đảm bảo tuổi thọ, tránh ảnh hưởng đến hiệu suất của hệ thống.
 
PV: Cảm ơn ông!

Link gốc

Theo: Báo Vĩnh Long