Người tiêu dùng Hà Nội tìm hiểu về sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời.
Chính vì vậy, thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường.
Tòa nhà Capital Place (quận Ba Đình) là một trong những điển hình về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở Hà Nội. Ngay từ khi xây dựng, tòa nhà đã hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua các ứng dụng kỹ thuật như hệ thống máy làm lạnh nước công nghiệp, hệ thống kính chống tia cực tím và ngăn ngừa tổn thất nhiệt, hệ thống thu hồi và tái sử dụng nước mặt, nước thải nhằm giảm thiểu chi phí trong quá trình vận hành...
Ông Đặng Văn Thắng, đại diện Ban quản lý vận hành tòa nhà Capital Place cho biết, các giải pháp này đã góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho đơn vị. Trong năm 2023, tòa nhà sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ mới để kiểm soát hệ thống đo đếm điện năng, tăng cường công tác đào tạo, vận hành, kiểm soát các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà...
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiết giảm được từ 2 đến 5% tổng chi phí năng lượng tòa nhà thông qua các giải pháp này” - ông Đặng Văn Thắng nhấn mạnh.
Thời gian qua, các giải pháp tiết kiệm và sử dụng điện, năng lượng hiệu quả đang dần trở thành ý thức và thói quen của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, phát triển năng lượng tái tạo, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Năm 2022, các Chương trình này đã giúp tiết kiệm 131,3kTOE, đạt 1,63% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu. Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5 đến 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ.
Dự báo thời tiết mùa hè năm nay sẽ diễn biến phức tạp, với nhiều đợt nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, giá nhiều loại năng lượng như xăng, dầu, điện, than... biến động. Thành phố Hà Nội với hơn 10 triệu dân và 330 nghìn doanh nghiệp, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, dịch vụ... trải rộng trên địa bàn, cho nên phụ tải tiêu thụ điện rất lớn.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) Nguyễn Anh Dũng cho biết, theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tốc độ tăng trưởng chung của phụ tải điện trong giai đoạn 2020-2030 từ 8,0 đến 8,5%/năm. Nguồn điện chính vẫn chủ yếu dựa vào than (41%), thủy điện (30%), tuabin khí (10%) và các nguồn năng lượng tái tạo khác (19%)...
Hiện tại, nguồn nhiên liệu nhập khẩu (than, khí) gặp khó khăn, giá cao; các hồ thủy điện phụ thuộc rất nhiều vào thủy năng, cho nên ngành Điện gặp rất nhiều thách thức trong việc bảo đảm cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là trong mùa nắng nóng.
Do đó, thành phố Hà Nội đã phát động cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023, cũng như thực hiện các Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả. Để công tác này đạt kết quả cao, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đề nghị EVN Hà Nội tăng số lượng, tần suất, thời lượng, nội dung các chương trình, hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trong đó, khuyến khích gia tăng số lượng doanh nghiệp, người dân tham gia vào các chương trình quản lý nhu cầu điện, cắt giảm phụ tải đỉnh, cam kết hỗ trợ nguồn phát, luân phiên giờ làm việc, ca sản xuất, ứng dụng nhiều hơn các thiết bị điện hiệu suất cao...
Các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn cũng cần xây dựng kế hoạch, nghiên cứu áp dụng chuyển đổi công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng; sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý...
Trong năm 2023, Sở Công thương phối hợp EVN Hà Nội và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tổ chức phát động các chương trình, phong trào tiết kiệm điện, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đào tạo, tập huấn về sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, các nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại, hộ gia đình...
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm năng lượng; khen thưởng, tôn vinh các cơ sở, đơn vị có thành tích trong công tác này.
Link gốc