Quản lý năng lượng

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Quốc sách cần tiếp thêm “nhiên liệu”

Thứ ba, 9/8/2022 | 13:23 GMT+7
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem là quốc sách quan trọng của nước ta. Tuy vậy, lĩnh vực này còn nhiều việc phải làm, mà một trong những yêu cầu đặt ra là sớm sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Ban đêm, Đà Nẵng sử dụng nguồn điện khá lớn để phục vụ hoạt động du lịch.
 
Quốc sách quan trọng
 
Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực.
 
Đáng chú ý, công tác đầu tư hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, mức tiêu thụ năng lượng gia tăng đáng kể, cơ cấu tiêu thụ năng lượng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm…
 
Tuy vậy, việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn một số hạn chế; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch…
 
Nhận diện thực tiễn trên, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi, để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.
 
Tại khoản 1, phần II, Nghị quyết 55-NQ/TW đặt ra yêu cầu, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường ở nước ta đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Trong đó, mức phát thải nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường phải giảm 15% vào năm 2030 và giảm 20% vào năm 2045.
 
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 55-NQ-TW yêu cầu là phải đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Nhiệm vụ này muốn cụ thể hóa và đi vào thực tiễn, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đổi mới chính sách tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công - tư (PPP); thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, đảm bảo độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước và hạn chế làm tăng chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh.
 
Đáng chú ý, Nghị quyết 55-NQ-TW yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia; Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm tổng kết, rà soát Luật Điện lực và các luật có liên quan để trình Quốc hội sửa đổi những nội dung còn bất cập…
 
Được biết, ngày 18/5/2022, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 2682/BCT-TKNL về việc khảo sát, đánh giá thực thi và xây dựng định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Theo đó, việc đánh giá, nghiên cứu, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ là cơ sở đề xuất xây dựng các công cụ pháp lý tăng cường hỗ trợ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là công cụ tài chính như xây dựng quỹ phát triển năng lượng bền vững, công cụ hỗ trợ lãi suất…
 
Việc nghiên cứu này cũng sẽ tập trung xây dựng các hành lang pháp lý trong việc đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ tư vấn, kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng, đào tạo để đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
 
Theo Ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), hằng năm, EVN đều ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị tăng cường tiết kiệm điện, giao chỉ tiêu về tiết kiệm điện, như giảm tiêu thụ điện năng, giảm điện tự dùng và giảm suất tiêu hao năng lượng… Đến nay, 100% đơn vị trực thuộc đã ban hành quy định nội bộ về sử dụng năng lượng (điện) hiệu quả và tiết kiệm.
 
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
 
Đề xuất sửa đổi luật để tiệm cận với thực tiễn
 
Để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn mà Nghị quyết 55/NQ-TW đã đề ra, tại Hội nghị “Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022” do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 14/7/2022, ông Đặng Hải Dũng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng cho rằng, một trong những vấn đề cần thiết là sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Theo ông Đặng Hải Dũng, quá trình sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng; bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay.
 
Đồng thời, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) cần quy định chi tiết hơn (bắt buộc) việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông - vận tải.
 
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) cần tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của  doanh nghiệp tại địa phương.
 
“Luật cũng cần nghiên cứu, đề xuất các quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh đối với tổ chức hành nghề kiểm toán năng lượng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Đầu tư năm 2020; nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ và hình thành hệ thống các công ty dịch vụ năng lượng”, ông Dũng đề xuất.
 
Đối với các điều 41, 42, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (xây dựng hành lang pháp lý, phát triển các công cụ thị trường tiết kiệm năng lượng), theo ông Dũng, cần bổ sung mô hình quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm hỗ trợ các hoạt động của công ty dịch vụ năng lượng, nghiên cứu các công cụ tài chính như bảo lãnh vốn, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp thực hiện; nghiên cứu đề xuất các công cụ tài chính hỗ trợ hoạt động thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn; cung cấp vốn và trợ giúp kỹ thuật thông qua công ty dịch vụ tư vấn năng lượng cho các dự án tiết kiệm năng lượng và có tính khả thi về tài chính, nhưng thiếu vốn ban đầu, đang tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng thông qua các hình thức đa dạng khác nhau (như đầu tư mạo hiểm, vốn tự có, thuê tài sản, tín dụng carbon, quỹ bảo lãnh tín dụng và trợ giúp kỹ thuật).
 
Riêng nhóm vấn đề liên quan đến quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện thiết bị kinh doanh trên thị trường (quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 40 của Luật Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm), ông Dũng cho rằng, cần rà soát, nghiên cứu cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm, đem lại hiệu suất cao hơn, có tính định hướng thị trường, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng đạt hiệu suất thấp…
 
Theo ông Dũng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình sửa đổi cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cộng đồng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế thi hành. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện quy trình phân cấp, phối hợp tổ chức thống kê trong lĩnh vực sử dụng năng lượng và có chế tài đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…
 
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh (EVN) cho biết, thời gian qua, công tác ban hành các văn bản của một số cơ quan quản lý nhà nước về quy định, hướng dẫn các định mức tiêu hao năng lượng còn chậm. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, hoạt động thanh, kiểm tra trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa hiệu quả, chưa phát hiện và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm quy định trong lĩnh vực này.
 
Ông Nguyên kiến nghị sửa đổi khoản 1, Điều 17, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng “bắt buộc”, thay vì “khuyến khích” sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu quả cao, thiết bị chiếu sáng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nguồn sáng tự nhiên.
 
Theo ông Nguyên, Điều 18, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế xây dựng các công trình, đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý năng lượng bao gồm những cơ quan nào (ví dụ, UBND tỉnh, thành phố, Sở Công thương…).
 
Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác, như hành lang pháp lý đối với hoạt động của công ty dịch vụ năng lượng; điều khoản về xây dựng bộ quy định đối với các vật tư, thiết bị, máy móc có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng; điều khoản về trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong dự án đầu tư, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước… cũng cần được xem xét, bổ sung.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) cần quy định chi tiết hơn việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông - vận tải. Ông Đặng Hải Dũng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương).
 
 
Theo: Báo Đầu tư